Có hay không căn bệnh thành tích trong các số liệu thống kê?

Cẩm Tú-Thứ tư, ngày 13/03/2013 06:55 GMT+7

Có hay không căn bệnh thành tích trong các số liệu thống kê? (Ảnh minh họa)

 Hiện nay, số liệu thống kê đang còn thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành và địa phương. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch này? Và có hay không căn bệnh thành tích trong các số liệu thống kê?

Chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương và địa phương thể hiện rõ nhất là ở con số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP. Ví dụ, năm 2011 cả nước tăng trưởng GDP 5,8% nhưng hầu hết các tỉnh thành lại tăng trưởng GDP ở mức 2 con số, cao hơn mức bình quân cả nước. Và nếu cộng số liệu của các địa phương lại, tăng trưởng GDP cả nước có thể lên tới 12,8%, nghĩa là chênh lệch đến trên 100%.

Ông Nguyễn Huy Lương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Trong thực tế tính toán, mức độ chênh lệch GDP giữa Trung ương và các địa phương ngày càng rõ rệt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phương pháp luận tính chỉ tiêu GDP của quốc gia thuận lợi hơn so với tính GDP của địa phương. Ngoài ra, còn do áp lực của lãnh đạo các cấp, các ngành trong quá trình hoạch định, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu kỳ vọng ảnh hưởng nhất định tới việc công bố thông tin ở địa phương”.

Như vậy là bên cạnh nguyên nhân về phương pháp luận, hạn chế về chuyên môn, đầu vào số liệu… không thể phủ nhận sức ép của các chỉ tiêu, đặt ra cho các địa phương khi báo cáo các số liệu tăng trưởng.

Để khắc phục chênh lệch số liệu thống kê trong năm 2013, Tổng cục Thống kê dự kiến sẽ đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu”. Trước mắt sẽ xây dựng nguồn số liệu để thống nhất sử dụng tính toán một số chỉ tiêu quan trọng, xây dựng quy trình tính GDP, giá trị sản xuất cho địa phương và cả nước để thống nhất áp dụng.

“Tổng cục Thống kê sẽ thành lập 5 đoàn xuống tính toán lại theo những phương pháp thống kê ở 5 địa bàn đặc trưng cho 5 vùng. Ví dụ các thành phố lớn sẽ chọn Hà Nội, đồng bằng sông Hồng sẽ chọn Nam Định... lựa chọn vùng để tính xem sai số, hệ số như thế nào. Tổng cục thống kê sẽ công bố GDP của cả nước và của địa phương làm căn cứ để tính toán. Việc này sẽ được thực hiện từng bước, không thể ngay lập tức khắc phục được, nhưng trong một vài năm tới sẽ dần dần đi về hệ số chung để có thể so sánh”, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế. Con số sai lệch sẽ dẫn đến phân tích đánh giá tình hình kinh tế không chính xác, từ đó sẽ ảnh hướng đến việc hoạch định chính sách cho các giai đoạn kế tiếp. Do vậy, không thể để căn bệnh thành tích cản trở sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng, và của đất nước nói chung.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước