Dù đây đã là lần thứ hai Quốc hội cho ý kiến về dự án căn cước công dân, tuy nhiên tại phiên thảo luận chiều 28/10 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cơ sở dữ liệu căn cước công dân và quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân.
Theo dự thảo Luật này, mỗi công dân sẽ có một số định danh cá nhân duy nhất gồm 12 chữ số, cùng với đó là thẻ căn cước công dân lưu trữ các thông tin thay thế cho các loại giấy tờ khác, tạo thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch. Thẻ căn cước công dân ra đời được kỳ vọng sẽ tích hợp được nhiều tiện ích. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chỉ cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, còn trẻ em dưới 14 tuổi vẫn sử dụng giấy khai sinh như trước đây vì giấy khai sinh có giá trị toàn cầu.
Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em từ khi sinh ra, bởi thẻ căn cước công dân không thay thế được giấy khai sinh, hơn nữa, giấy khai sinh là để ghi nhận về mặt pháp lý việc ra đời của công dân và làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước; bỏ cấp giấy khai sinh nhưng lại cấp quy định cấp trích lục hộ tịch thì không giảm bớt thủ tục hành chính.
Trước đó vào sáng nay, thảo luận về dự án luật Luật hộ tịch, nhiều đại biểu nhất trí về phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho UBND cấp huyện và UBND xã. Theo các đại biểu, việc phân cấp này giúp UBND cấp tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.