Đã đến lúc cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

PV-Thứ tư, ngày 07/11/2018 17:36 GMT+7

VTV.vn - Đây là quan điểm của đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) khi thảo luận về Luật Chăn nuôi vào chiều nay (7/11).

"Tôi cho rằng đã đến lúc cần cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, chứ không phải cho phép sử dụng nữa", đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại Quốc hội về Luật Chăn nuôi.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, thực tế cho thấy tình trạng lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang diễn ra tương đối phổ biến. Kháng sinh đưa vào thức ăn nhằm ngăn ngừa vật nuôi mắc bệnh. Song kết quả là nó làm tăng trình trạng kháng thuốc kháng sinh của nhiều thực vật, vi khuẩn gây bệnh.

Thực tế cũng cho thấy rằng, nhiều lô hàng xuất khẩu đã bị trả lại bởi tỷ lệ tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép.

Đã đến lúc cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

"Con non sử dụng thuốc kháng sinh cũng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cho nên khi lớn lên ăn thức ăn thông thường hay bị nhiễm bệnh hơn. Thậm chí nhiều con non đã trở thành sản phẩm tiêu dùng, thậm chí là đặc sản như lợn sữa hay bê", đại biểu Trần Văn Lâm cho biết.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, xét lợi ích trước mắt và lâu dài, cũng như hướng tới một nền nông nghiệp sạch, tôi nghĩ nên cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi.

"Không thể chần chừ hơn nữa, chúng ta cần tách riêng biệt thức ăn với thuốc để kiểm soát chặt chẽ và đúng mục đích", đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định.

Chiều 7/11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục thảo luận về những điều còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Chăn nuôi.

Dự án Luật Chăn nuôi đã được Bộ NN-PTNT và Chính phủ xây dựng, trình tại kỳ họp thứ 5 vừa qua để các đại biểu Quốc hội thảo luận.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và ở hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Bộ NN-PTNT - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Chăn nuôi, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước