Đã xác định nguyên nhân tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa

Tấn Quýnh-Thứ năm, ngày 28/03/2013 15:19 GMT+7

Lái xe điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép, lấn làn đường là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn kinh hoàng hôm 8/3 làm 12 người thiệt mạng.

Một lần nữa, những lo ngại của hành khách gửi gắm tính mạng trên các xe khách ban đêm là hoàn toàn có lý khi kiểm soát tốc độ xe khách vẫn còn là vấn đề khó.

Sau gần một tháng, những nạn nhân của vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đều khó dứt khỏi nỗi ám ảnh tai nạn giao thông xe khách. Có một câu hỏi luôn được đặt ra là, vì sao gần đây tai nạn giao thông lại liên tiếp xảy ra đối với xe khách. Kết cấu hạ tầng giao thông hay do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện?

Nhìn lại hồ sơ vụ tai nạn giao thông rạng sáng 8/3 làm 12 người chết, hàng chục người bị thương, góc khuất đằng sau những chuyến xe khách đường dài được lộ diện. Xe khách mang biển kiểm soát 76M-1154 do Võ Ngọc Phương (31 tuổi, trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển, chạy hướng Bắc - Nam đã tông vào xe khách biển kiểm soát 77B-003.69 do Lý Thanh Dũng (42 tuổi, trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định) chạy chiều ngược lại. Giải mã hộp đen, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ tai nạn.

Thượng tá Đậu Quang Tuyến, Phó Trưởng Công an Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Lỗi tốc độ, đi lấn phần đường là lỗi chính. Xe 76 M-1156 đến tại điểm va chạm là 90 km/h, quá cao so với quy định, cách đó có một biển báo khúc cua, vào đường cong nguy hiểm mà xe vẫn chạy tốc độ quá cao nên không an toàn”.

Đằng sau con số thương tâm 12 người chết, đằng sau những cảnh đời chông chênh khi thương tích sau vụ tai nạn cứ đeo bám, người ta không thể không tiếp tục đặt ra vấn đề giám sát hành trình xe khách.

Ông Nguyễn Hồng Quang, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Lo sợ là tâm trạng chung của tất cả mọi người dân sống ven đường, không thể không bước ra đường nhưng hễ ra đường là lo tai nạn. Ở đây là đoạn đường cua và dốc, nhưng các phương tiện giao thông, nhất là xe khách thì hầu như không hề giảm tốc độ”.

Lộ trình của các xe khách ở miền Trung thường có một điểm chung: Xe khách xuất bến vào chiều hoặc tối, rạng sáng hôm sau, điểm đến là các bến xe tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là quãng đường dài, nhưng thời gian lái xe lại gói gọn trong một đêm, thiết bị giám sát hành trình được các nhà xe thực hiện, song việc thực hiện này liệu có đến nơi đến chốn?

Đã có nhiều biện pháp đưa ra để đảm bảo an toàn giao thông trên xe khách. Thế nhưng, an toàn xe khách đường dài vẫn chưa có được kết quả mang tính bền vững. Trong khi các ngành chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn xe khách, những người gửi gắm tính mạng trên các xe khách chỉ mong mỏi vào sự cẩn trọng của người lái xe. Và đó là yếu tố quyết định để không lặp lại những vụ tai nạn thương tâm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước