Đặc sắc Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Úy Huyền-Chủ nhật, ngày 28/04/2013 21:17 GMT+7

Thực hiện lễ Chánh tế (Khao lề thế lính Hoàng Sa). Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

 Sáng 28/4, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được tổ chức tại Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Gắn liền với sự ra đời của hải đội Hoàng Sa cách đây hàng trăm năm trước, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân những hùng binh năm xưa đã hy sinh khi vâng lệnh triều đình hàng năm ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.

Nghi thức thả khinh thuyền Hoàng Sa - một trong những nghi thức quan trọng nhất trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Những chiếc thuyền được mô phỏng theo nguyên mẫu kiểu thuyền câu của ngư dân huyện đảo cách đây hàng trăm năm, bên trong thuyền có hình nhân thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa với các vật dụng tùy thân.

Tất cả những nghi thức quan trọng của buổi lễ này được tổ chức tại sân đình làng An Vĩnh là nơi mà trước đây diễn ra các cuộc họp bàn bạc, tuyển chọn binh phu ra Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức như một lễ tế sống”.

Theo sử sách ghi lại, Đội Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn. Suốt hơn 3 thế kỷ sau đó, đã có hàng vạn người Việt Nam phải vượt qua bao sóng gầm, bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.

Tại Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa nằm trong cụm di tích lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã lưu giữ rất nhiều các tư liệu của các nhà thờ, tộc họ liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa. Ở đây cũng còn lưu giữ nhiều bản đồ tư liệu, các châu bản của triều đình liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, những phu binh không chỉ có công trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng biển, mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả cắm mốc khẳng định chủ quyền.

TS.Nguyễn Nhã, Hội Lịch sử Việt Nam cho hay: "Không chỉ là đi khai thác biển, mà còn là kiểm soát biển Đông, vì các cai đội còn kiêm nhiệm việc quan thổ ngự ở cửa biển Sa Kỳ để chống giặc biển và an ninh biển. Theo tôi, lễ hội này cũng là nói đến khai thác sản vật Hoàng Sa và thể hiện chủ quyền của Việt Nam và cả vấn đề an ninh biển”.

Tham quan các di tích lịch sử gắn liền với các hoạt động của đội Hoàng Sa trên đảo như Âm linh tự, Nhà trưng bày lưu niệm Hải đội Hoàng Sa, các học giả nước ngoài trong đoàn tham dự hội thảo Biển Ðông đã có cơ hội hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam và có cái nhìn khách quan, xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trrường Sa.

GS.TS Dritri Valentinovich Mosyakov, Viện Hàn lâm khoa học Nga nói: "Đối với những người có trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề về biển Ðông thì việc chứng kiến tận mắt như thế này là rất có ý nghĩa. Tôi cũng hy vọng trong tương lai, những xung đột ở biển Đông sẽ được giải quyết để những ngư dân được an toàn mỗi khi đi biển”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước