Chiều nay (14/9), cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm tập trung xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Có một điểm đáng chú ý là Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định này.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, có đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Cũng có ý kiến đề nghị sửa Luật theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp. Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề bổ sung quy định về địa vị pháp lý của các cơ quan của Quốc hội trong đó có việc nâng cấp một số ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, vào sáng nay (14/9), cho ý kiến vào dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại tòa án, các nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành luật này trước bối cảnh các tranh chấp khiếu kiện có xu hướng phức tạp và ngày càng gia tăng. Việc hòa giải, đối thoại giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; đặc biệt làm giảm áp lực xét xử của tòa án. Về tiêu chuẩn hòa giải viên, đại biểu đề nghị cân nhắc về quy định tiêu chuẩn dưới 70 tuổi hay quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án. Bởi trên thực tế có những người hòa giải không có chứng chỉ hành nghề, trên 70 tuổi nhưng rất có uy tín và hòa giải rất hiệu quả, thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!