Sáng nay (10/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại đây, nội dung cắt giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện đã trở thành "điểm nóng" của phiên thảo luận.
Trong phiên thảo luận đã có rất nhiều đại biểu đã không đồng ý với phương án giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước)
"Việc giảm đi 01 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện cần phải được cân nhắc thận trọng. Theo phương án của Chính phủ là giảm "cào bằng" tất cả các địa phương, kể cả ở TP.HCM, Hà Nội là không hợp lý, chưa có tính thuyết phục cao", bà Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) phát biểu.
Theo bà Hạnh, ban soạn thảo có lý giải trong tờ trình việc giảm đồng loạt số lượng chức để có sự đồng bộ về bộ máy tổ chức HĐND các cấp thì cách lý giải này chưa thực sự hợp lý vì chúng ta phải đảm bảo 2 mục tiêu song song là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả chất lượng hoạt động.
"Nếu không xét hoàn cảnh thực tiễn của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả có thể dẫn đến phải việc sửa luật thường xuyên", đại biểu của đoàn Bình Phước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng nhấn mạnh sự khó khăn trong việc giải quyết khối lượng công việc nếu chỉ một Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện.
"Chức danh Chủ tịch HĐND quy định mở là có thể chuyên trách hoặc không chuyên trách. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện việc nhất thể hóa các chức danh người đúng đầu địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 có thể nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy với chức danh Chủ tịch HĐND.
Đối với các địa phương đã thực hiện nhất thể hóa, trường hợp Chủ tịch HĐND là không chuyên trách, nếu áp dụng phương án là chỉ còn một Phó Chủ tịch HĐND thì việc điều hành công việc sẽ rất khó khăn, không thể đảm đương hết các nhiệm vụ theo luật định ", bà Hạnh cho biết.
Vào sáng nay (10/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Bà Hạnh nhấn mạnh: với những tỉnh loại 1, những thành phố lớn thì việc quy định 1 Phó Chủ tịch sẽ càng khó khăn hơn trong việc tổ chức điều hành bộ máy thực hiện công việc để đảm bảo chức năng nhiệm vụ của HĐND theo luật định
"Theo quy định Điều 82 theo luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong việc điều hành phiên họp. Nếu chỉ định chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, trường hợp bất khả kháng không thể tham gia các phiên họp thường kỳ của HĐND thì sẽ không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc",
Chiều 24/5, báo cáo với Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Loại ý kiến thứ nhất: Giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.
Loại ý kiến thứ hai: Giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm bảo đảm cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đối với chính quyền địa phương hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!