Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cùng sự ngưỡng mộ cao cả về một đồng chí lãnh đạo tài ba, lỗi lạc trên lĩnh vực quân sự. Đại tướng Lê Đức Anh cũng là người đã đưa nhiều quyết sách xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác đối ngoại, ông có đóng góp to lớn trong hóa giải rào cản, tiến tới bình thường hóa quan hệ với các nước lớn vốn là thù địch.
Nhiều tờ báo trong tuần đã đăng tải các bài viết tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh. Hầu hết các tờ báo đã nhắc lại Chiến dịch Hồ Chí Minh mà đại tướng Lê Đức Anh từng làm nguyên phó Tư lệnh.
Chiến dịch này gồm 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đoàn 232 do Trung tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, được đánh giá là hướng khó nhất vì sình lầy, nhưng đóng vai trò rất quan trọng.
Ngày 30/4/2975, cánh quân của Trung tướng Lê Đức Anh lúc đó đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau này trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: "Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng "nhân ái". Tư tưởng "nhân nghĩa" của Thời đại Hồ Chí Minh là yếu tố cơ bản trong văn hóa dân tộc "Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".
Nhiều sỹ quan quân đội đã nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng qua 4 chiến trường, là một vị tướng với thực tiễn chiến tranh cực kỳ sâu sắc, có những quyết đoán táo bạo, tư duy về mặt chiến lược rất sắc sảo.
Tờ Sài gòn giải phóng dẫn lời Đại tướng Phạm Văn Trà cho rằng Đại tướng Lê Đức Anh có tầm nhìn rất sâu về chiến lược, bao giờ cũng dự đoán trước tình hình, nên khi tình hình đến thì không bị động mà chủ động ứng phó được ngay và đều có kết quả tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!