Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở làng cổ Đường Lâm kêu cứu. Cách đây 2 năm câu chuyện người dân sống trong làng xin trả lại danh hiệu làng cổ cũng đã xảy ra nhưng những nguyên nhân dẫn đến sự việc cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế những người dân có nhà cổ thực sự trong làng được hưởng lợi rất nhiều từ việc làng được công nhận là di tích quốc gia. Ngoài khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng, họ còn có thể thu được khoản tiền không nhỏ từ dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên số hộ dân thực sự có nhà cổ ở trong làng là rất ít. Đa phần người dân ở làng không có nhà cổ trong diện bảo tồn nhưng suốt 10 năm qua không được xây dựng, sửa chữa, cũng không có khoản thu hay tiền hỗ trợ nào, trong khi nhân khẩu trong gia đình ngày một tăng sinh hoạt trở nên rất khó khăn, bức xúc về chỗ ở. Đây chính là lý do được nhiều người dân Đường Lâm đưa ra cho việc xin trả danh hiệu di tích quốc gia.
‘Những ngôi nhà cổ trong làng (Ảnh khai thác)
Cũng theo lá đơn kiến nghị, đã gần 10 năm nay chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục xem có phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xi măng là lập tức thông báo cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng vì không theo thiết kế của ban quản lý.
Rõ ràng những mâu thuẫn trong việc bảo tồn một di tích quốc gia và việc đáp ứng nhu cầu chính đáng về chỗ ở, sinh hoạt của người dân Đường Lâm đang rất cần sự can thiệp, giải quyết triệt để từ các cơ quan quản lý nhà nước.