Tập tục sinh tại nhà do cha mẹ hay chồng đỡ đẻ còn rất phổ biến. (Ảnh: Việt báo)
Hình ảnh em Hồ Thị Nữ, người dân tộc Bru Vân Kiều phải nghỉ học để vào rừng kiếm củi, hái măng để có cái ăn cho mình, anh trai và 2 em nhỏ đang bị sốt khiến phóng viên chúng tôi thực sự đau lòng. Mới 11 tuổi nhưng hơn 1 năm qua, Nữ đã phải gánh vác việc nhà. Ngôi nhà sàn là nơi mẹ của em đã trải qua 4 lần tự vượt cạn, đến lần thứ 5 đã trút hơi thở cuối cùng do bị băng huyết. Đứa con khát sữa mẹ sau đó cũng không sống được khi chưa đầy 3 tháng tuổi.
Với người dân tộc Bru Vân Kiều, phụ nữ thường phải cáng đáng hết mọi việc nhà. Thêm nữa, vốn vẫn coi sinh đẻ là việc tự nhiên, nên họ thường sinh tại nhà, may lắm thì có mẹ chồng giúp, không thì chỉ một mình tự lo liệu.
Chính vì thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe, lại đẻ sớm, đẻ dày, ít là 4, còn bình thường thì nhà nào cũng 7 hoặc 8 con, lại chẳng bao giờ biết đến việc thăm khám thai nên không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra. Như ở điểm trường lẻ đặt tại bản, có 51 học sinh thì gần 10 cháu đã không còn mẹ.
Đấy là chưa kể đến việc sau đẻ, đa số bà mẹ chỉ ăn cơm với muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Cải thiện thực trạng này cũng chính là góp phần làm giảm tập tục lạc hậu cùng nếp nghĩ cũ tồn tại từ lâu ở nhiều vùng dân tộc thiểu số.