Trong ba tuần qua, Ban lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM đã chuẩn bị các thủ tục để xét duyệt, bổ nhiệm GS, PGS đối với các chức vụ chuyên môn của nhà giáo, nhà khoa học tại trường. Đại diện của trường cho biết, theo quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường sẽ được tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia khoa học, giảng viên. Điều này đồng nghĩa với việc trường ĐH Tôn Đức Thắng có thể bổ nhiệm chức vụ PGS, GS với bộ tiêu chuẩn riêng, khác tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa ra.
Ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Một bên là học hàm, hưởng các chế độ của Nhà nước cho đến khi về hưu, còn một bên chỉ là chức danh nghề nghiệp do cơ quan tự bổ nhiệm, trả lương và kết thúc khi công việc của người đó không còn nữa. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Ở trường Tôn Đức Thắng, chúng tôi dùng danh xưng giáo sư để gọi những người đang dạy ở trường học, theo đúng tên gọi nghề nghiệp của họ”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách hiểu của lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng không đúng vì ở Việt Nam, khái niệm GS, PGS là học hàm, là sự công nhận của giới học thuật dành cho cá nhân và gắn trọn đời.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: “GS hay PGS trong nền giáo dục Đại học ở Việt Nam được quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục. Nếu hiểu đây chỉ là tên gọi chức danh để trả lương trong nội bộ trường là cách hiểu nhầm lẫn, bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc dùng một khái niệm rất phổ biến trong luật Việt Nam thành khái niệm quản trị trong một công ty".
Trong khi đó, theo GS. Ngô Bảo Châu, cách hiểu từ GS, PGS ở Việt Nam và nước ngoài không giống nhau. Ở nước ngoài, nội hàm của từ này là một vị trí làm việc tương đương với trách nhiệm và mực thu nhập nhất định. Tại Việt Nam, giáo sư không phải là vị trí công tác mà là một học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với khoa học.
Như vậy, câu hỏi đặt ra cho vấn đề này là điều gì sẽ quyết định tên gọi GS, PGS? Chất lượng giáo dục hay đơn thuần là quan niệm? Đằng sau câu chuyện này có lẽ là một vấn đề lớn hơn. Đó là chuyện các trường Đại học hiểu và hoạt động như thế nào trong bối cảnh giáo dục đang từng bước hội nhập và tiếp cận với nền giáo dục cao của thế giới.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ chế tự chủ không đồng nghĩa với việc các trường ĐH có thể bỏ qua các bước kiểm định giáo dục đang có hiệu lực pháp luật.
“Các trường có thể tự chủ về cơ chế, về quyền tuyển dụng cán bộ nhưng những chuẩn mực về đào tạo TS, GS, PGS – những tri thức chủ chốt của một trường ĐH - thì cần có sự cân nhắc. Vấn đề tự chủ cần được hiểu rõ từ cơ quan ban hành văn bản này", GS. Nguyễn Đình Đức nói.
Song song với đó, GS Vũ Minh Giang - Ủy viên Hội đồng Chức danh Nhà nước cho rằng quy trình bổ nhiệm GS, PGS tại Việt Nam cần được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch hơn.
“Việc phong GS hãy tiến hành ở các cơ sở đào tạo được coi là có uy tín. Nó phải có sự tham gia của những nhà khoa học thật, không bị chi phối bởi các quyết định hành chính, như vậy việc phong hàm mới tiệm cận với chất lượng thật của học thuật”, GS Vũ Minh Giang cho biết.
Đội ngũ GS, PGS là chuẩn mực để đánh giá chất lượng kiểm định ở một trường Đại học. Điều này đúng ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ chất lượng của sinh viên ra trường và đội ngũ trí thức mới là câu trả lời rõ ràng nhất cho chất lượng các giáo sư ở Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!