ĐBSCL đang tiếp nhận hàng trăm tấn rác sinh hoạt mỗi ngày nhưng không có nhà máy xử lý. Ở nơi có nhà máy xử lý rác, chủ đầu tư mượn thế độc quyền, đưa ra nhiều yêu sách bất hợp lý. Tỉnh Bạc Liêu đã giao một khu đất cho Công ty ANA Bạc Liêu xây dựng nhà máy xử lý rác. Sau 4 năm, nhà máy xử lý rác thải vẫn chỉ là những chiếc cọc, lý do là vì chủ đầu tư thiếu năng lực. Mới đây, địa phương đã ra quyết định thu hồi dự án này.
Để tránh tình trạng nhận dự án nhưng chậm triển khai, tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tìm hiểu kỹ, lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có năng lực. Mặt khác, những lò đốt rác công nghệ cao cũng được triển khai ở các địa phương nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước khi có nhà máy xử lý rác cấp tỉnh.
Sau sự cố nhà máy xử lý rác lớn nhất tỉnh ngừng hoạt động, tỉnh Cà Mau đã kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư vào nhà máy xử lý rác thải ở khu công nghiệp Khánh An, trong đó ưu tiên cấp đất sạch cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Mục đích của việc trên là để xóa thế độc quyền, tránh tình trạng phụ thuộc vào một đơn vị xử lý rác.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, muốn thu hút đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải, các địa phương cần có cơ chế ưu đãi hơn. Trong đó, bài toán lợi nhuận cho nhà đầu tư cần được ưu tiên. Trên thực tế, mới đây nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo ở tỉnh Vĩnh Long đã phải đóng cửa vì giá thành xử lý rác mà địa phương đưa ra quá thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!