Theo dự báo, giai đoạn thiếu điện trầm trọng nhất có thể rơi vào khoảng 2 - 3 năm tới. Đây là thách thức rất lớn khi các nguồn nhiệt điện, thủy điện đã cạn kiện. Chính vì vậy, việc tăng nguồn cung từ năng lượng tái tạo cần phải đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Những hàng cọc trụ của dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ lấp đầy khu vực bán ngập của hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Đây là giai đoạn đầu tiên có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng của dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Khi hoàn thành, dự án này sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cho khu vực miền Nam.
Đây là dự án lớn nhất trong hơn 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch điện. Việt Nam là nước có điều kiện phát triển nguồn năng lượng tái tạo đa dạng, trong đó nổi bật nhất là năng lượng điện gió và mặt trời. Tuy nhiên, nếu dự án năng lượng mặt trời ở Tây Ninh thuận lợi bởi hệ thống truyền tải điện phát triển khá đồng bộ thì với đa số các dự án năng lượng tái tạo khác lại rất khó khăn. Bởi số lượng các dự án này tập trung quá nhiều ở một vài địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận khiến hạ tầng đấu nối quá tải.
Định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã khá rõ ràng, song so với tốc độ phát triển điện gió trên thế giới thời gian qua bình quân 20%/năm, năng lượng mặt trời gần 50%/năm thì tốc độ tăng trưởng ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang còn rất chậm.
Chỉ chiếm khoảng 0,3% diện tích của mặt hồ Dầu Tiếng, từ mảnh đất một mùa trồng sắn cho thu nhập thấp, khi đưa vào khai thác điện mặt trời, dự án này sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương và góp phần vào chính sách phát triển chung khu vực. Đồng thời góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng tỷ trọng của nguồn năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện toàn quốc lên cao hơn trong tương lai.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!