Những vụ bạo hành trẻ mầm non gây phẫn nộ
Ngày 26/12/2017, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip dài khoảng 3 phút ghi lại hình ảnh một người phụ nữ có hành vi bạo hành một bé trai. Theo nội dung clip, bé trai không mặc quần được đặt trong chiếc thùng đựng nước và bị một người phụ nữ liên tục dùng cây gậy, một đầu buộc giẻ chà mạnh vào phần thân dưới của bé. Người phụ nữ này nhiều lần túm áo, xách bổng cháu lên và di chuyển nhiều vị trí khác. Mặc cho bé trai khóc lóc thảm thiết, người phụ nữ này vẫn liên tục dọa nạt và hành hạ bé. Đoạn video này gây nên sự phẫn nộ trong dư luận.
Qua xác minh, bảo mẫu trong clip là Phạm Thị Vấn (sinh năm 1954, trú ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp) đã có hành vi hành hạ bé trai Đỗ Đắc Minh Đăng (2 tuổi) ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp.
Ngày 29/12/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật trường hợp hành hạ bé trai tại xã Kiến Thành; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/1/2018. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh công tác chăm sóc trẻ theo đúng quy định và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Làm việc với Cơ quan Công an, bà Phạm Thị Vấn khai nhận hành vi đánh đập trẻ. Nguyên nhân do cháu Đỗ Đắc Minh Đăng (2 tuổi) đi đại tiện ra quần nhiều lần nên bà dùng gậy tre, một đầu quấn vải màn để chùi rửa từ vùng mông xuống chân của cháu Đăng. Quá trình chùi rửa, cháu Đăng la khóc nên bà Vấn 2 lần dùng tay đánh vào vùng đỉnh đầu cháu Đăng; túm áo, xách cháu đi ra một vị trí khác để đánh. Theo kết quả xác minh, đây là lần đầu bà Vấn đánh cháu Đăng. Kết quả giám định thương tích đối với cháu Đăng không phát hiện có tổn thương trên cơ thể, tỷ lệ thương tích 0%.
Với kết quả điều tra nói trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R’lấp khẳng định, hành vi của bà Vấn căn cứ theo Điều 110, Bộ Luật Hình sự chưa đủ yếu tố cấu thành tội, do vậy chỉ xử phạt hành chính. Để đảm bảo khách quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R’lấp tiếp tục xác minh một số nguồn thông tin, đồng thời, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk R’lấp về hướng xử lý trước khi chuyển hồ sơ về UBND xã Kiến Thành để ra quyết định xử lý hành chính đối với bà Vấn.
Sự việc giáo viên của cơ sở đánh trẻ em tại cơ sở mầm non ABC bị phát giác qua camera. Được biết, cơ sở mầm non ABC vừa có giấy phép hoạt động theo quy định được 1 ngày vào ngày 19/4/2018 thì đến ngày 20/4 xảy ra sự việc trên. Giáo viên trong sự việc đã thừa nhận hành vi và được yêu cầu giải trình, làm kiểm điểm.
UBND phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, chính thức đình chỉ hoạt động của cơ sở mầm non ABC trên địa bàn sau sự việc giáo viên của cơ sở đánh trẻ em tại trường. Về mặt hình thức, cơ sở này bị đình chỉ sau vi phạm nhưng trước đó, dù chưa có giấy phép nhưng việc nhận chăm sóc trẻ đã từng diễn ra.
Cuối tháng 11/2017, Công an quận 12 đã khởi tố 2 bị can Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1974, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh) và Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1994, bảo mẫu) về tội danh "Hành hạ người khác". Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Linh và Đào đã có hành vi đánh đập, hàng chục trẻ nhỏ bằng dao, can nhựa, bắt đội chồng ghế nhựa lên đầu, bằng tay, chân… Đối với Phạm Như Huỳnh, xét tính chất và mức độ hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, Công an quận 12 không đề nghị xử lý nhưng đã có thông báo gửi về địa phương yêu cầu quản lý, giáo dục.
Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 hoàn thành cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân Quận 12 để lên lịch xét xử. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Tòa án nhân dân quận 12 cho rằng quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa làm rõ vai trò của Phạm Như Huỳnh. Đồng thời, Tòa cũng yêu cầu giám định tỉ lệ thương tật đối với các trẻ bị bạo hành nên ngày 3/4 đã trả hồ sơ để điều tra làm rõ.
Quá trình điều tra bổ sung, Công an quận 12 đã khởi tố bị can Phạm Như Huỳnh về tội "Hành hạ người khác" như đã nêu trên. Ngày 27/4, Công an quận 12, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Như Huỳnh (sinh năm 1999, quê Cà Mau, là bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh) về tội "Hành hạ người khác" theo khoản 2, điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngày 21/5, những hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ em tại cơ sở mầm non Mẹ Mười, tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng, trong đó có cảnh tượng bảo mẫu bắt 1 bé trai nằm ngửa dưới sàn nhà và liên tục trút thức ăn vào miệng, vừa tát dã man… khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Ngay sau khi video trên được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh và người dân đã tập trung đến tại cơ sở trông giữ trẻ mang tên "Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười" có địa chỉ ở số 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng để bày tỏ sự phẫn nộ.
Ngay khi biết sự việc, UBND phường Chính Gián đã rút giấy phép, đóng cửa cơ sở này. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã yêu cầu xử lý vụ việc.
Cục Bảo vệ Trẻ em đã yêu cầu Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng vào cuộc để kiểm tra sức khỏe và kịp thời phát hiện những sang chấn tâm lý của các em để điều trị. Cục Bảo vệ trẻ em đề nghị lắp camera giám sát thường xuyên tại các cơ sở mầm non tư thục để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cần phát huy vai trò giám sát của địa phương
Trên đây chỉ là một số trong nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp bị phanh phui, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Theo bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc các cơ sở trông giữ trẻ, các nhóm trẻ gia đình tự phát mọc lên có nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thực tế. "Lực lượng lao động từ các nơi đổ về khiến nhu cầu gửi con trẻ tăng cao. Các phụ huynh thậm chí phải gửi con từ khi trẻ chưa đủ tuổi gửi ở các cơ sở công lập. Ngoài ra, chính các cơ sở công lập cũng không đáp ứng đủ nhu cầu trên. Do vậy, các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát mọc lên", bà Châu nói.
Bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng nhấn mạnh: "Cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, của địa phương ở khu phố, tổ dân phố. Theo đó, nếu phát huy được vai trò của địa phương trong việc giám sát sẽ phát hiện được kịp thời các trường hợp vi phạm. Khi các cơ quan quản lý không đủ lực lượng để kiểm tra thì cần hơn nữa việc giám sát của địa phương. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, cần có hình thức xử lý mang tính răn đe".
ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho hay: "Có những trường hợp tình trạng bạo hành cần phải xử lý hình sự mới mang tính răn đe cao. Cơ quan quản lý cũng như địa phương - nơi cơ sở vật chất chưa đầy đủ - cần tạo điều kiện cho nhóm trẻ gia đình phát triển, tuy nhiên đối với các cơ sở tư thục, dân lập cần phải có đội ngũ giáo viên đủ chất lượng, chuẩn hóa về mặt trình độ, kỹ năng; cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!