Dẹp được "bảo kê", vỉa hè sẽ khác!

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 19/03/2017 11:14 GMT+7

VTV.vn - Người dân TP.HCM phản ánh họ phải nộp tiền hàng tháng cho phường để được sử dụng vỉa hè. Do đó, dẹp được “bảo kê”, vỉa hè sẽ trở lại đúng với thiết kế ban đầu.

"Cuộc chiến" đòi lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn tiếp tục nóng trên các báo ra trong tuần từ 13-19/3, cho dù tính đến nay đã hơn 2 tháng triển khai, nếu tính từ thời điểm Quận 1, TP.HCM tiên phong trong việc quyết liệt lập lại trật tự đô thị.

Dẹp được bảo kê, vỉa hè sẽ khác! - Ảnh 1.

Đã có những diễn biến mới xung quanh câu chuyện giành lại vỉa hè - nơi tạo ra lợi ích và cuộc sống mưu sinh của bao gia đình trong hàng chục năm qua. Tại TP.HCM, người dân đã đồng ý trả lại vỉa hè. Cụ thể, người dân ở Quận 7 đã tự nguyện tháo dỡ bảng quảng cáo lấn chiếm vỉa hè. Ở nhiều nơi, Chi bộ ra nghị quyết, đảng viên phải đi trước chấp hành trong việc trả lại vỉa hè.

Báo Sài Gòn giải phóng: Cuộc đấu tranh trong mỗi gia đình

Theo tờ Sài Gòn giải phóng, ngay lập tức, nhiều hộ buôn bán cũng tự giác làm theo. Nhờ vậy, nhiều tuyến phố được thông thoáng, sạch sẽ, cho dù để làm được điều này là cuộc đấu tranh trong mỗi gia đình.


Dẹp được bảo kê, vỉa hè sẽ khác! - Ảnh 3.

Tại Hà Nội, phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện diễn ra trong tuần qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo thành phố cảm ơn người dân Thủ đô đã hết sức đồng thuận, cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền để sắp xếp vỉa hè, hi sinh quyền lợi của cá nhân vì sự nghiệp chung.

Tờ Hà Nội Mới: Vì lợi ích chung của cộng đồng

Cũng vì thế, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, rất nhiều đơn vị của thành phố khi bắt đầu ra quân không phải làm nhiều vì người dân đã tự sắp xếp lại. Bởi khi nhận thức của người dân nâng lên, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, mới đảm bảo thực hiện trật tự văn minh bền vững, còn nếu không chỉ mang tính hình thức.

Tờ Tiền phong: Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Không để tình trạng bắt cóc bỏ đĩa"

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng nhấn mạnh tới việc một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa có trách nhiệm, chưa thực sự vào cuộc, chưa thực sự coi là việc của mình, vẫn đổ cho nguyên nhân khách quan. Theo ông Hải, đổ cho khách quan dễ nhất, cái gì khó thường đổ cho ý thức người dân. Thế thì không được!

Dẹp được bảo kê, vỉa hè sẽ khác! - Ảnh 5.

Ở Hà Nội, qua việc "giành lại vỉa hè" mới thấy được rằng ở nhiều nơi người dân đã hình thành "văn hóa lấn chiếm". Ở đây, người dân xây nhà hết diện tích đất theo sổ đỏ, thậm chí nhà xây sau còn nhô ra hơn nhà xây trước vài centimet, còn bậc thềm vào nhà được xây lấn hẳn ra vỉa hè. Vì thế, cuộc chiến giành lại vỉa hè ở một số tuyến phố mới ở Hà Nội có căng thẳng hơn. Tuy nhiên, với đà lập lại trật tự vỉa hè như hiện nay, nhiều người có nhà mặt phố trước mắt sẽ mất bậc thềm vào nhà, nhưng sẽ giúp hình thành nên văn hóa tôn trọng không gian chung của cộng đồng và không biến vỉa hè thành nhà mình.

Nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong công tác quản lý trật tự đô thị đã được giới thiệu trên báo chí tuần qua. Chẳng hạn như ở Quận 1, TP.HCM đang có chủ trương sắp xếp bà con vào kinh doanh tại các phố hàng rong hoặc các tuyến có vỉa hè trên 3m.

Tờ Pháp luật TP.HCM: Sẽ có khu phố cho người bán hàng rong

Qua rà soát quận 1 có khoảng 500 hộ dân đang kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Đây là những hộ nghèo và cận nghèo buôn bán lâu năm tại khu vực trung tâm và họ sẽ được quy hoạch vào tuyến phố, tạm gọi là phố hàng rong.

Báo Lao động: Giành lại vỉa hè song phải tạo việc làm cho dân

Việc này vừa tạo công ăn việc làm, đồng thời quản lý được trật tự đô thị và vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, Quận 1 cũng đang nghiên cứu việc sắp xếp, chuyển đổi nghề đối với các hộ nghèo và cận nghèo đang buôn bán hàng rong.

Tờ Pháp luật TP.HCM: Phố Tây sẽ được buôn bán ở vỉa hè

Cũng theo tờ Pháp luật TP.HCM, tại Quận 1, phố du lịch hay còn gọi là phố Tây cũng sẽ được buôn bán ở vỉa hè khi khu phố này được quy hoạch thành phố đi bộ từ 19h đến 2h hôm sau. Người dân được phép kinh doanh trên vỉa hè, nhưng không được tràn xuống lòng đường.

Dẹp được bảo kê, vỉa hè sẽ khác! - Ảnh 7.

Nhìn tổng quan, nỗ lực và quyết tâm giành lại vỉa hè lần này có những điểm hết sức tích cực và đáng kỳ vọng: quyết liệt, nhân văn, thấu tình đạt lý, nhất là đối với những hộ kinh doanh nghèo và cận nghèo.

Báo Lao động: Lời nói thẳng, lời hứa từ quan

Tích cực – theo quan sát của báo Lao động còn ở tuyên bố sẽ "cởi áo" nếu không dẹp nổi loạn vỉa hè của Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Tiếp đến là một nữ Chủ tịch phường cũng hứa sẽ "từ quan" nếu không giành lại được vỉa hè cho dân. Suy cho cùng, những lời nói thẳng, tâm huyết xin "rũ áo từ quan" nếu không hoàn thành nhiệm vụ, nhẽ ra không chỉ lẻ loi, không chỉ trong việc đòi lại vỉa hè.

Tờ báo này cũng dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khi ông tiết lộ việc Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận được tin nhắn của người dân báo phải nộp tiền hàng tháng cho phường để được sử dụng vỉa hè. Có hay không chuyện chống lưng, bảo kê, thì người dân đều biết, và những người thực thi công vụ là rõ nhất. Do đó, dẹp được bảo kê, vỉa hè sẽ khác. Vỉa hè lúc đó thực sự trở lại đúng với thiết kế ban đầu là dành cho người đi bộ.


TP.HCM lập 'phố hàng rong' tạo sinh kế cho người bám vỉa hè TP.HCM lập "phố hàng rong" tạo sinh kế cho người bám vỉa hè

VTV.vn - Từ việc lắng nghe ý kiến người dân, quận 1, TP.HCM đã triển khai lập phố hàng rong để người dân có nơi buôn bán ổn định, yên tâm về cuộc sống.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước