ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế

PV-Thứ sáu, ngày 03/04/2020 21:31 GMT+7

VTV.vn - ĐH Kinh tế Quốc dân đã thực hiện bản báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Những ngày này, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm riêng chung tay cùng Chính phủ chống dịch. Và một bản báo cáo công phu, đánh giá một cách toàn diện tác động của COVID-19 đến nền kinh tế ra đời ngay trong những ngày toàn quốc thực hiện theo Chỉ thị số 16 chính là cách mà các nhà khoa học thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân góp sức cho cuộc chiến chống Covid.

PGS. TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân thông tin, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tập hợp những nhà khoa học hàng đầu của mình để có thể đánh giá được những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Và từ đó, đưa ra những khuyến nghị, chính sách nhằm khắc phục những tác động tiêu cực cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi vượt qua dịch bệnh. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có một báo cáo để góp chung tiếng nói với Chính phủ, với Đảng và toàn thể xã hội vượt qua dịch bệnh khó khăn này.

Những con số về tác động của COVID-19 đến nền kinh tế

Theo báo cáo, trong 2 tháng đầu năm có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ. 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch COVID-19. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị thu hẹp. Tính đến 20/03/2020, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 02/2020 là 10%). Thống kê trong tháng 2/2020 đã cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế - Ảnh 1.

PGS. TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trongbuổi báo cáo. Ảnh: V-Startup LeCerne.

Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người. Đấy là những con số trong Báo cáo tác động của COVID 19 đến nền Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bản báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch bệnh và hậu COVID-19. Đến thời điểm này, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Được biết, nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc hết sức khẩn trương trong suốt thời gian từ lúc bắt đầu bùng phát dịch tại Việt Nam, phân tích cho đến nay, với khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp; sử dụng nhiều phương thức đặc thù khi hạn chế tiếp xúc xã hội do dịch bệnh.

Đây có thể nói là cập nhật mới nhất và trong ấn phẩm có đưa ra các kịch bản tác động của dịch COVID-19, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị, các giải pháp chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh đại dịch tác động lên nền kinh tế với các nội dung như diễn biến đại dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam; Dịch tác động đến kinh tế thế giới và các phản ứng chính sách; Các kịch bản đại dịch COVID-19 tại Việt Nam; Khuyến nghị chính sách và giải pháp...

Báo cáo đưa ra định hướng và kiến nghị giải pháp

Bản báo cáo định hướng chính sách và đưa ra kiến nghị 1 số giải pháp cụ thể bao gồm Nhóm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng; Nhóm giải pháp của Bộ Tài chính; Nhóm giải pháp hỗ trợ BHXH cho doanh nghiệp và an sinh xã hội; Nhóm giải pháp từ các doanh nghiệp. Thông qua 11 giải pháp được đưa ra nhằm khuyến nghị khắc phục tổn hại từ đại dịch COVID-19.

ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế - Ảnh 2.

PGS.TS Tô Trung Thành báo cáo về tác động của Covid 19 đến nền kinhtế Việt Nam. Ảnh: V-Startup LeCerne.

PGS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, chúng ta cần phải xem lại nền tảng của nền kinh tế. Một trong những nền tảng của nền kinh tế có thể nhìn thấy được chính là năng suất lao động của Việt Nam hiện giờ đang ở mức thấp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các động lực để tăng trưởng năng suất gần như cạn kiệt. Vậy nên giai đoạn sắp tới sẽ là một cơ hội để cải thiện một cách mạnh mẽ năng suất lao động, từ đó gia tăng sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đồng thời chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế - Ảnh 3.

Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế - Ảnh 4.

PGS. TS . Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốcdân trong buổi báo cáo. Ảnh: V-Startup LeCerne.

Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, để khắc phục các khó khăn mà do dịch bệnh gây ra, báo cáo cũng đã chỉ ra những giải pháp của Chính phủ hiện nay đang thực hiện cũng như những khuyến nghị mới, đặc biệt là việc Chính phủ đang tập trung toàn bộ nguồn lực vào trong đầu tư phòng chống dịch. Đây có lẽ là một giải pháp trọng tâm, một hành động trọng tâm mà càng đầu tư phòng chống dịch nhanh, tốt thì chúng ta sẽ càng có cơ hội để cho nền kinh tế sớm phục hồi. Thứ hai là tập trung vào các giải pháp để làm giảm bớt những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản đóng góp, những chi phí mà đang tạo ra những gánh nặng doanh nghiệp, ví dụ như thuế, phí, chi phí trực tiếp khác, để làm sao doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì nhưng không phải chịu những gánh nặng này.

Cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt. Song song với đó, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới.

ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền kinh tế - Ảnh 5.

Kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, để đối phóvới những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải phápcụ thể như cắt giảm chi phí hoạt động, giờ làm, nhân công...

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 04 hoặc đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.

Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng COVID-19 đã vô tình tạo ra một cơ hội thay đổi phương thức phát triển và cấu trúc phát triển của kinh tế Việt Nam theo hướng chúng ta sẽ áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số. Giãn cách xã hội là một trong những phương tiện cơ bản để chúng ta giảm thiểu tác động của COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước