Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân của người nông dân cả nước đã đạt 35,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn 5%. Trên 50% số xã trong toàn quốc đã hoàn thành nông thôn mới. Cả nước đã có 7 tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hầu như không còn.
Tham dự Hội thảo "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới", các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế trong 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới. Đó là khoảng cách giữa nông thôn và đô thị đang gia tăng. Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa gắn bó với phát triển công nghiệp, với liên kết vùng. Những điểm nghẽn trong chính sách phát triển nông nghiệp như vấn đề tập trung đất đai, việc làm cho lao động nông thôn chưa được tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cũng đang gần hết giai đoạn dân số vàng. Chưa kể biến đổi khí hậu khốc liệt, ảnh hưởng ngày một lớn đến sản xuất, cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong khi hiện nay kinh tế mở rất lớn, một cuộc chơi Việt Nam tham gia nhưng không ngang sức về xuất phát điểm. Vì vậy, sẽ phải tính đến giải pháp tổng thể trong giai đoạn tiếp theo.
Các chuyên gia đã đề xuất, từ nay đến năm 2030, cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới cần được điều chỉnh, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy, năng lực của người dân, coi nông dân làm chủ thể, lấy cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá, đẩy mạnh năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp căn bản và lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!