Doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gặp khó với giấy uỷ quyền

Trang Thu (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Chủ nhật, ngày 19/10/2014 18:34 GMT+7

Ảnh minh họa

Dù là một nước sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng hàng năm nước ta phải nhập khẩu tới 90% hoạt chất hay chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Chính thực tế này đã khiến thị trường trong nước trở nên phức tạp, hàng nhái, hàng giả hay hàng kém chất lượng tràn lan. Bởi vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào Thông tư 03 năm 2013 Quy định về giấy ủy quyền đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thắt chặt việc quản lý nguồn gốc cũng như chất lượng của từng sản phẩm. Song, quy định trên lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp khi góp ý cho Dự thảo Thông tư mới về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Loại thuốc REASGANT trừ sâu đục thân được công ty TNHH Việt Thắng nhập hoạt chất từ Mỹ. Theo Thông tư hướng dẫn năm 2013 của Bộ NN& PTNT, công ty chỉ được nhập duy nhất hoạt chất để sản xuất thuốc REASGANT theo giấy ủy quyền, mà không được phép nhập từ công ty khác. Còn theo doanh nghiệp, nếu công ty đối tác ngừng cung cấp hoạt chất này, thì tên thuốc REASGANT sẽ bị hủy.

TS. Lê Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuốc BVTV Việt Thắng cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài mà chúng tôi nhập có thể đã giải thể hoặc chất lượng không tốt bằng chúng tôi quan hệ mới gần đây thì chúng tôi vẫn phải nhập theo phương thức ủy quyền sẽ đội chi phí lên cao, thứ 2 nữa là sản phẩm của công ty khác tốt hơn thì  lại không được. Để tìm nhà cung cấp mới bây giờ thời gian kéo dài 2-3 năm mới đăng kí được sản phẩm mới”.

Thông tư trên quy định các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được ủy quyền cho một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một loại hoạt chất. Vì vậy, dù Công ty Việt Thắng có đủ điều kiện để đổi sang nhà cung cấp mới, thì nhà cung cấp ấy có thể đã ủy quyền cho doanh nghiệp Việt Nam khác.

Công ty Việt Thắng hiện đang nhập khẩu hoạt chất và chế phẩm từ Mĩ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… vì vậy, quy định về giấy ủy quyền khiến doanh nghiệp không thể chủ động về giá cả cũng như chất lượng hàng nhập. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nước.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nói: “Các doanh nghiệp hiện nay của chúng ta rất lo lắng bởi vì doanh nghiệp ủy quyền đó có những thay đổi thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất tài sản kinh doanh. Cái thứ 2 đó là, thế giới cho thương mại tự do cạnh tranh thì chúng ta lại tạo ra một môi trường độc quyền cho sản phẩm của công ty nước ngoài đứng vững trên thị trường của nước ta. Cái thứ 3 là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc ngày càng sâu vào doanh nghiệp nước ngoài”.

Cũng theo ông Hùng, nếu tận dụng được tự do cạnh tranh giá cả và chất lượng theo quy định của FAO và WTO, không cần giấy ủy quyền đối với loại thuốc thông dụng thì hưởng lợi đầu tiên là người nông dân; vì giá thuốc sẽ giảm từ 20-60%.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: “Ủy quyền chỉ áp dụng trường hợp mà các doanh nghiệp nước ngoài không muốn đứng tên người ta sẽ ủy quyền cho doanh nghiệp đứng tên đăng kí thuốc trên thị trường Việt Nam, do vậy mà được hiểu là không trói buộc bất cứ doanh nghiệp nào trong nước”.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều chưa có khả năng tự sản xuất ra hoạt chất, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, mà hơn 90% còn phải nhập khẩu. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật ngày càng trở nên phức tạp; những biện pháp quản lý chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng là rất cần thiết. Nhưng, cần có những chính sách phù hợp với thực tế để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường vật tư nông nghiệp và đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước