Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 2 trường hợp doanh nghiệp Việt Nam dùng biện pháp tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại. Đó là vụ Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đối với dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam vào cuối năm 2012 và vụ Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty Kính nổi Việt Nam kiện điều tra tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp nào.
Công ty luật Mayer Brown cho biết, khung pháp luật của Việt Nam về chống bán phá giá còn khá đơn giản. Các pháp lệnh và nghị định về chống bán phá giá và chống trợ cấp mới ra đời vào đầu những năm 2000, trong khi đó ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU, luật đã hình thành và được hoàn thiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Một số doanh nghiệp ngành thép cho biết trước đây sản xuất bán ra thị trường nội địa nhưng sau đó bị sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc cạnh tranh với mức giá thấp hơn từ 15% - 20% nên chuyển sang xuất khẩu qua các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các nước này cũng áp dụng nhiều biện pháp tự vệ hoặc hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải theo dõi để đáp ứng các điều kiện các thị trường nhập khẩu đưa ra.