Đội Biệt động Sài Gòn và ký ức trận đánh 1968

Cẩm Nhung-Thứ năm, ngày 01/04/2010 22:06 GMT+7

Lực lượng Biệt động đặc công được coi là đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta. Là đội quân không quân phục, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, họ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Căn nhà số 287/70 Phan Đình Phùng - nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hơn 40 năm về trước, đây là nơi cất giấu vũ khí bí mật, chuẩn bị cho trận đánh vào cổng sau của Dinh Độc lập, nay là Dinh Thống Nhất, giữ chân địch, mở đường cho đại quân giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn.

Chỉ tới khi chạy tới đây chuẩn bị vũ khí, 15 chiến sỹ của Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định mới biết mục tiêu đánh của mình là gì.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Cựu chiến sỹ Đội 5, Biệt động đặc công Sài Gòn - Gia Định:

“Lúc đó cũng vui mừng, anh em có phấn khởi, ai cũng đồng lòng giơ tay tham gia trận đánh, mặc dù lúc đó chưa biết đánh ở đâu. Lúc đó chiến thắng giòn giã khắp nơi nên anh em rất phấn khởi…”

Ông Nguyễn Luân, Cựu chiến sỹ Đội 5, Biệt động đặc công Sài Gòn - Gia Định: “Tinh thần chính trị là không thể làm nô lệ, biết xuống đường là chết, nhưng anh em vẫn tình nguyện đi. Hiểu được sâu xa Cách Mạng giáo dục. Nhiều người biết là ra chiến trường chết nhưng vẫn đi. Thực tế, lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mình chỉ say mê bước vào để giải phóng và về đoàn tụ với gia đình”.

Trước đó, bắt đầu từ năm 1965, các thành viên của Đội 5 đã có kinh nghiệm và thành tích đánh vào những địa điểm trọng yếu của Mỹ Ngụy, như: khách sạn Metropole, khách sạn Caravelle, tàu hải quân của Mỹ…Vì vậy, Đội 5 đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ. Đánh một địa điểm trọng yếu phải có một đội quân tinh nhuệ.

Đại tá Hoàng Đạo (tức Tư Sắc), Nguyên Trưởng ban Điệp báo chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền: “Thành phố thì phải đánh Biệt động, ngoài đánh Biệt động mở màn thì có các lực lượng khác đi vào, chứ các lực lượng khác không thể đánh lớn vào ngay được. Biệt động phải đánh để mở cửa, tất cả các mũi đều có lực lượng vào. Xác định đây là các mục tiêu chiến lược, nhất là Dinh Độc Lập vì đây là cơ quan chỉ huy, nơi tập trung đầu não lớn nhất của địch, vì hồi đó thành phố Sài Gòn là thủ đô của chúng”.

Đối với bà Chính Nghĩa, chiến sỹ nữ duy nhất trong Đội 5, trận đánh vào Dinh Độc Lập là niềm vinh dự vì đó là lần đầu tiên bà được trực tiếp tham gia, nhưng cũng là ký ức đau thương trong đời. “Thật ra trong lòng rất lo vì mình là nữ mà. Cuối cùng khi lên sa bàn, các anh nói là cứ yên tâm, lúc nào cũng có chúng tôi yểm trợ... Lúc đó anh Thanh gục xuống và chỉ nói được một câu: Dù có chuyện gì thì các đồng chí vẫn phải bám trận địa. Tôi biết sức của tôi không còn... Anh nói mấy câu vậy rồi tắt thở”.

Mặc dù 8 đồng đội đã hy sinh, nhưng cùng với hàng loạt trận đánh liên tiếp trước và sau đó chỉ vài phút vào những địa điểm quan trọng khác của Mỹ Ngụy trong nội đô Sài Gòn, các chiến sỹ Đội 5, Biệt động đặc công Sài Gòn - Gia Định đã góp phần khiến cho lực lượng Mỹ dao động và phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước