Bệ phóng tên lửa bắn rơi thành công máy bay B52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Lao động thủ đô
Cách đây đúng 40 năm, ngày 18/12/1972, quân đội Mỹ thực hiện một chiến dịch tập kích không quân chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng mang mật danh Linerbacker II - chiến dịch quân sự cuối cùng và tàn bạo nhất, đẫm máu nhất với 10.000 tấn bom dội xuống Hà Nội và Hải Phòng, tương đương 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Thế nhưng Hà Nội đã không bị bất ngờ.
Kể từ khi trở thành mục tiêu bị bom Mỹ đánh phá dữ dội, cầu Long Biên đã không còn nguyên vẹn. Trong suốt 12 ngày đêm, xung quanh cây cầu thậm chí là cả dưới bãi giữa sông Hồng và trên nóc cầu đều được bố trí những trận địa pháo.
Đóng quân ở trận địa tên lửa bên kia cầu Long Biên, đơn vị của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiệm vụ bảo vệ phía Bắc của Hà Nội. Đêm mở đầu chiến dịch, trong trận đọ sức đầu tiên, đơn vị của ông đánh không kết quả, nhưng Hà Nội vẫn rất bình tĩnh. Nghệ thuật quân sự một lần nữa được chứng minh khi bộ đội tên lửa vận dụng linh loạt, sáng tạo phương pháp đánh B52.
AHLLVT, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại: “Khó nhưng ta không bị bất ngờ, vì ngày 15 ta thông báo cho các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng, 18h ngày 18 phải sẵn sàng chiến đấu. Được chỉ thị của Chính uỷ sư đoàn là phải nhiều tiểu đoàn đánh giỏi, nhiều tiểu đoàn đánh rơi tại chỗ và yêu cầu đánh tiết kiệm đạn. Chúng tôi đánh hai trận bằng 2 quả đạn diệt 2 B52 trong 10 phút. Rõ ràng 1 quả đạn không diệt được B52, trước đây lý thuyết 3 quả mới diệt được B52”.
Đối mặt với B52, Hà Nội đã không bị bất ngờ vì bộ đội tên lửa đã có cẩm nang bìa đỏ “Cách đánh B52” với nhiều phương pháp điều khiển tên lửa khác nhau. Đây là tài liệu kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm của bộ đội tên lửa, rada, thậm chí được trả bằng xương máu qua những năm tháng trực tiếp chiến đấu và nghiên cứu B52 ở chiến trường khu 4.
Còn với bộ đội không quân, một phương án đối phó với các trận không chiến hiện đại theo cách của Việt Nam cũng đã được áp dụng, đó là phương án dùng máy bay MIC 21 đánh xung quanh Hà Nội ở khu vực vòng ngoài, ngoài tầm hoả lực của tên lửa và pháo cao xạ. Những phi công có kinh nghiệm, kỹ thuật bay giỏi được huấn luyện bay đêm chỉ để đánh B52 vì máy bay chiến lược B52 chỉ đánh vào Hà Nội về đêm, còn ban ngày là các loại máy bay chiến thuật.
Kinh nghiệm của ông Vũ Đình Rạng, một trong ba phi công của Việt Nam giáp mặt với B52 từ năm 1971 được bộ đội không quân vận dụng sáng tạo khi đối mặt với đối thủ mạnh hơn là B52.
Ông Vũ Đình Rạng nói: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cất cánh ở những đường băng ngắn hẹp, chúng tôi dùng tên lửa bổ trợ dùng cất cánh trong khoảng cách 400-500m, cho nên MIG 21 vẫn xuất hiện trên bầu trời. Sau một vài ngày chúng tôi rời đi các sân bay dã chiến, địch không ngờ có MIG ở đó, chúng tôi sử dụng các sân bay dã chiến đó cất cánh lên tham chiến. Đêm 27/12, không quân bắn 1 chiếc B52 do anh Phạm Tuân thực hiện, còn đêm 28/12, đồng đội của tôi là Vũ Xuân Thiều trực ở sân bay dã chiến cũng là đường băng đất cất cánh lên, Vũ Xuân Thiều đã tiếp cận B52 rơi và anh đã anh dũng hy sinh trong đêm 28/12”.
12 ngày đêm không ngủ, kiên cường, hiên ngang trong đạn lửa, quân và dân Hà Nội mà nòng cốt là lực lượng phòng không, không quân đã chiến thắng thần tượng được coi là bất khả xâm phạm của không lực Hoa Kỳ. Bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam lúc 12 giờ ngày 30/12/1972 phát đi thông báo chiến thắng của Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó là xã luận của báo Quân đội nhân dân sử dụng tiêu đề “Điện Biên Phủ trên không”- Cụm từ này ngay lập tức được các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài công nhận như niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam..