Chiều 20/5, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành giáo dục.
Theo báo cáo của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các cơ sở giáo dục đại học, đã có những bước đổi mới quan trọng, người đứng đầu được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, các cơ sở này hiện vẫn phải tuân thủ mức trần học phí do nhà nước quy định, trong khi mức thu học phí chưa đảm bảo bù đắp đủ chi phí hoạt động cũng như chưa gắn với yêu cầu về chất lượng và thương hiệu của từng cơ sở. Ngân sách Nhà nước vẫn thực hiện cấp phát bình quân, dựa vào yếu tố đầu vào mà chưa gắn với kết quả, hiệu quả hoạt động. Thu nhập của người lao động chưa được cải thiện.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ở bậc đại học, sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ chi thường xuyên đến hết năm 2020, sau đó các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ toàn diện. Với bậc mầm non và phổ thông, có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở ở các vùng có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bộ cũng có kế hoạch từng bước giảm biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!