Xuất phát từ tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Tòa án nhân dân Tối cao được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Để có cơ sở xây dựng, hoàn thiện Đề án, Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định triển khai thí điểm tại Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân quận, huyện của thành phố từ tháng 3 đến tháng 9/2018.
Tại hội nghị Sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng, các đại biểu đã nghe tham luận của các Hoà giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm hoà giải, đối thoại Toà án nhân dân quận, huyện và thành phố Hải Phòng. Các đại biểu cũng đã có ý kiến đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện Đề án đổi mới, tăng cường hoà giải trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Sau 2 tháng các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đi vào hoạt động, các Tòa án thực hiện thí điểm đã nhận 1.077 đơn khởi kiện. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp, nhất là án hành chính. Sau khi nhận hồ sơ vụ việc, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phân công cho các hòa giải viên nghiên cứu, xem xét, đồng thời chủ động, tích cực nghiên cứu nội dung vụ việc xây dựng kế hoạch làm việc với đương sự, tiến hành hòa giải, đối thoại.
Kết quả đã đưa ra hòa giải, đối thoại 893 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành 600 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 293 vụ việc, đạt tỷ lệ 67,2%.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được khi thực hiện thí điểm mô hình hòa giải với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Đồng chí đề nghị lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao cần tiếp tục chỉ đạo để triển khai thành công Đề án thí điểm tại Hải Phòng, nghiên cứu để mở rộng ra một số địa phương; khẩn trương nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Kết luận Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đề án tăng cường hòa giải phải hoàn thành với chất lượng cao. Từ kinh nghiệm của TAND thành phố Hải Phòng, TAND tối cao sẽ xem xét việc mở rộng thí điểm mô hình thí điểm ra các địa phương khác. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn của TAND thành phố Hải Phòng, các quy định của pháp luật hiện nay và tham khảo luật pháp quốc tế có chọn lọc để hoàn tất dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để báo cáo Quốc hội; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tính ưu việt của cơ chế hòa giải, xem đây là một giải pháp để giải quyết vấn đề vướng mắc của người dân thông qua con đường hòa giải; tiếp tục hình thành giáo trình đào tạo về hòa giải để triển khai trong phạm vi toàn quốc, đào tạo trong các cơ sở giáo dục luật mà trước hết là cơ sở giáo dục của Hệ thống Tòa án.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!