Với tiêu đề Lập lại trật tự lòng lề đường trung tâm TP.HCM: Không có "vùng cấm trong xử lý", báo Tuổi trẻ cho hay, so với những lần ra quân trước đây, lần này chính quyền quận 1 xử lý khá kiên quyết nhiều trường hợp vi phạm, bất kể cá nhân hay cơ quan nhà nước. Thậm chí xe chở một lãnh đạo quận 9 về thành phố họp nhưng đậu sai quy định cũng bị đoàn kiểm tra lập biên bản, xử lý.
Những bức ảnh mô tả lực lượng chức năng phá dỡ nhiều công trình nhà dân và cả của cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè, cả những công trình xây dựng kiên cố rồi cây cảnh trồng lấn ra lề đường đều bị tháo đi. Đây là một thái độ rất kiên quyết và được nhân dân đánh giá rất cao.
Trong chiến dịch "trả lại vỉa hè cho người đi bộ" diễn ra suốt tuần qua, người gây nguồn cảm hứng, nhân vật trung tâm là Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải với phát ngôn ấn tượng: "Người dân quan tâm theo dõi với nhiều cảm xúc, đầy phấn khích, hào hứng dù có chút hoài nghi và đương nhiên đa số ủng hộ chiến dịch đòi vỉa hè cho người đi bộ của TP.HCM".
Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, ông Hải cho rằng, quận sẽ làm quyết liệt, làm liên tục, không có chuyện đánh trống bỏ dùi, không làm theo phong trào, hay làm để nổi tiếng.
Còn theo quan sát của tờ Lao động, ông Đoàn Ngọc Hải không phải tạo nguồn cảm hứng bằng phát ngôn mà quan trọng là ông đã hành động. Đích thân ông đã cùng các lực lượng, xử lý cụ thể từng trường hợp, chứ không ngồi chỉ đạo trong phòng máy lạnh. Nếu tất cả các lãnh đạo quận, huyện của TP.HCM đều dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Đoàn Ngọc Hải, TP.HCM sạch đẹp như Singapore không phải chỉ là sự tưởng tượng.
TP.HCM đang hành động quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đó là một hành động vì dân. Bởi lòng lề đường, về nguyên tắc chỉ dành cho người bộ hành. Thế nhưng, thực tế cuộc sống lại không hề đơn giản như vậy. "Cuộc chiến" giành lại vỉa hè ở các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội đã kéo dài vài thập kỷ gần đây. Thực chất ở nhiều nơi được gọi là tham nhũng vỉa hè khi chính quyền cấp phường ở nhiều địa phương đã thu tiền hàng tháng của những người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, trên báo Tuổi trẻ, nếu như vẫn giữ nguyên thói quen buôn bán mặt tiền như hiện nay, thành phố sẽ là một cái chợ khổng lồ. Nhà nước muốn khuyến khích người dân đi bộ trên vỉa hè nhưng vẫn duy trì việc kinh doanh mặt tiền như hiện nay là một nghịch lý. Kinh doanh mặt tiền và đi bộ không thể tồn tại cùng nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!