Đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/02/2020 19:08 GMT+7

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến giữa UBQG về Chính phủ điện tử với BCĐ Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Hơn 2 tháng, kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia - một bước tiến dài trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, đến nay đã có gần 50.000 tài khoản được mở trên nền tảng này để làm các dịch vụ công, trên 14 triệu lượt truy cập và trên 1 triệu hồ sơ được đồng bộ hóa. Điều này cho thấy mức độ hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp tham gia Chính phủ điện tử lớn như thế nào. 

Năm qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (làm thủ tục trực tuyến, thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) đã tăng gấp đôi, đạt gần 11%. 9 trong 22 bộ và 63 tỉnh, thành đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để mọi người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều dịch vụ. Cổng dịch vụ công Quốc gia là minh chứng về việc đã qua thời xây dựng Chính phủ điện tử theo kiểu trăm hoa đua nở, mỗi bộ, ngành và địa phương có nền tảng với công nghệ riêng và cơ sở dữ liệu riêng, không kết nối được.

Với phương châm đi đầu làm gương, Chính phủ đã ứng dụng Ecabinet để họp và điều hành công việc. 100% các bộ, ngành, địa phương đã tham gia gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản Quốc gia. Quan trọng nhất là Việt Nam chỉ học tập kinh nghiệm nước ngoài và tự làm chủ công nghệ xây dựng Chính phủ điện tử cũng như an toàn, an ninh mạng.

Tuy nhiên, đến nay, 70% bộ ngành và địa phương chưa có nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, mới chỉ có 1/10 dịch vụ công đạt mức cao nhất là làm thủ tục trên mạng và nhận kết quả tại nhà. Điều ngạc nhiên là các tỉnh vùng sâu, vùng xa và biên giới như An Giang, Lào Cai và Lạng Sơn lại có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất, gấp 3 lần bình quân cả nước.

Đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đã tăng 21 bậc, đứng thứ 117 trong 180 nước và vùng lãnh thổ. Kết quả này ngoài do các vụ án tham nhũng lớn được xử lý nghiêm, còn do tình trạng tham nhũng vặt được giảm bớt do áp dụng Chính phủ điện tử. 

Từ kết quả sau hơn 1 năm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khả năng rất cao Việt Nam có thể đột phá, rút ngắn được lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử so với nhiều nước khác. Kết quả trong năm 2019 làm tiền đề để đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới đứng thứ 88 trong 193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử và đứng thứ 6 trong ASEAN. Nguyên nhân chính là do cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ và nhiều bộ và địa phương còn "án binh bất động". 

Về nhiệm vụ, xây dựng Chính phủ điện tử trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung mọi nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2019 và 2020, nhất là đạt mục tiêu 30% số dịch vụ công đạt mức độ 4, gấp gần 3 lần so với hiện nay.

Nhấn mạnh tới 3 ưu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử là hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm Chính phủ này phải ban hành Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, Nghị định về định danh và xác định xác thực điện tử, Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cùng với Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân đi cùng với chuẩn bị sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và Luật Lưu trữ.

Thủ tướng yêu cầu, trong năm nay, phải cơ bản xây dựng xong cơ sở dữ liệu Quốc gia và về dân cư và đất đai. Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu và phải được kết nối vào nền tảng dữ liệu quốc gia, cũng như phải có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu trong xây dựng Chính phủ điện tử phải tránh được lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời giao các bộ liên quan chuẩn bị thủ tục để Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng một phần Quỹ viễn thông công ích để chi cho các dự án xây dựng nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử. 

Thủ tướng cũng nhất trí giao Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, chứ không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới. Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ đưa nội dung đào tạo về Chính phủ điện tử vào chương trình đào tạo Học viện Hành chính Quốc gia, để hình thành nên thế hệ công chức cho Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử kết nối với người dân Chính phủ điện tử kết nối với người dân

VTV.vn - Xây dựng Chính phủ điện tử, tạo cầu nối điện tử để kết nối Chính phủ với người dân, DN hiệu quả là một trong những điểm nhấn và mục tiêu trọng tâm của Chính phủ năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước