Một vấn đề nhận được sự quan tâm của báo chí trong nước tuần qua là Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 58, 7 tỷ USD. Tại Hội thảo Công bố báo cáo cuối kỳ về dự án diễn ra đầu tuần qua, các chuyên gia đều ủng hộ thực hiện dự án này, nhưng lại băn khoăn về số vốn phải đi vay lớn sẽ đẩy nợ công tăng cao.
Theo tờ Tiền phong, một trong những nỗi lo lớn nhất là vấn đề tài chính. Các chuyên gia đề nghị tư vấn tính toán cẩn trọng và cân nhắc vốn Chính phủ đi vay. Theo TS. Vũ Hoài Nam, nợ công hiện sát trần, nếu vay theo kịch bản của tư vấn sẽ khiến nợ công tăng rất lớn. Chuyên gia này cũng cho biết, theo kinh nghiệm của các nước thì đường sắt cao tốc không phải là động lực thần kỳ cho phát triển kinh tế.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Bình cho rằng, khoản đầu tư hơn 58 tỷ USD sẽ chưa dừng lại. Ngân sách sẽ còn phải bù lỗ thêm vài năm sau khi đưa vào vận hành. Và hiện nay năng lực tài chính của Việt Nam dường như chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho dự án này, dù đây là dự án cần thiết.
Hiện tại, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 3 phương án bố trí vốn. Trường hợp 1 là 100% vốn ngân sách trong nước. Trường hợp 2 là 100% vốn ngân sách trong nước và vay ODA. Trường hợp 3 là 80% vốn nhà nước và 20% vốn tư nhân. Bên cạnh đó, dự án cũng có thể nghiên cứu thêm khả năng huy động vốn ngoài ngân sách từ việc xã hội hóa đầu tư đối với các công trình nhà ga tại các đô thị lớn, có lợi thế thương mại thông qua khai thác quỹ đất và phát triển dịch vụ, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, tờ Sài Gòn giải phóng phán ánh ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, dự án có tổng mức đầu tư quá lớn nhưng phương án tài chính của dự án vẫn còn sơ sài, nếu không tập trung làm rõ thì rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội và người dân.
Như vậy, vốn vẫn là bài toán khó nhất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bởi nguồn lực từ tư nhân trong nước và quốc tế là không nhiều. Theo thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, ngoài chi phí 58,7tỉ USD đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, dự kiến khi vận hành, thời gian đầu nhà nước vẫn phải hỗ trợ khoảng 10 năm qua chi phí duy tu, bảo dưỡng.
Bàn về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tờ Đại Đoàn kết đưa ra bài viết có tên "Áp lực của một tuyến đường". Tờ báo bình luận, một công trình cần số tiền cực lớn, làm trong một thời gian dài, sử dụng quỹ đất lớn ảnh hưởng tới nhiều hộ dân vì thế cần phải được tính toán hết sức căn cơ.
Đặc biệt, cơ quan liên quan phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm từ những công trình giao thông khác đã được xây dựng trong thời gian qua. Nhiều người cho rằng các yếu tố kỹ thuật có thể được giải quyết rõ, gọn, kể cả vấn đề công nghệ cũng như kết cấu hạ tầng. Nhưng "tính xã hội" của vấn đề mới thực sự phức tạp, từ việc đền bù giải phóng mặt bằng, chọn nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công...
Những yếu tố đó cần phải được cân nhắc thấu đáo, tỉ mỉ kĩ càng, vì đây chính là nơi dễ phát sinh hệ lụy. Một công trình lên tới gần 59 tỷ USD, khi đã chính thức được phê duyệt, đi vào triển khai thì có thể nói là không thể dừng lại được vì lực đẩy của nó rất lớn, tạo ra áp lực rất lớn. Vì thế càng cần chi tiết hóa, minh bạch hóa để có được sự đồng thuận cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!