PGS.TS Trần Như Dương tại Sự kiện & Bình luận sáng 9/8.
Trong cuộc toạ đàm sáng nay (9/8) tại Sự kiện & Bình luận, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - đã có những giải đáp rất rõ ràng về tình hình dịch bệnh Ebola. Những chia sẻ của ông đã giúp khán giả có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về bệnh dịch này.
"Việt Nam của chúng ta nằm trong khu vực nhiệt đới, đây là điều kiện rất thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển. Tuy nhiên, cũng ở Việt Nam, tuỳ vào khu vực địa lý và tuỳ theo từng mùa mà các dịch bệnh nảy sinh theo các quy mô và mức độ khác nhau" - Ông Trần Như Dương nói.
Vậy, đối với Việt Nam hiện nay thì dịch bệnh nào là nguy hiểm nhất?
- Trong thời gian vừa qua, một số dịch bệnh lưu hành ở Việt Nam đáng chú ý như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, dịch bệnh tiêu chảy cấp... Để đánh giá dịch bệnh nào là nguy hiểm nhất thì phải đánh giá vào rất nhiều khá cạnh, rất nhiều yếu tố. Đó là dịch bệnh đó như thế nào, căn nguyên ra sao, có biến đổi gì không, đường lây và khả năng lây truyền như thế nào, số người mắc, biểu hiện bệnh, số lượng người tử vong cũng như các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong công tác phòng dịch bệnh, bệnh dịch đó có thuốc điều trị đặc hiệu hay chưa? Nói tóm lại, để đánh giá mức độ nguy hiểm của một dịch bệnh thì dựa vào rất nhiều yếu tố và hoàn cảnh cụ thể theo những tình huống cụ thể, thực tế để mình đưa ra những đánh giá phù hợp, chính xác.
Như vậy, nếu chỉ nghe thông tin thì không thể đánh giá dịch bệnh nào nguy hiểm hơn dịch bệnh nào?
- Vâng, như tôi đã nói, cũng là dịch bệnh này nhưng ở môi trường này thì nó khác môi trường khác. Vì vậy, phải tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà chúng ta đưa ra được những đánh giá phù hợp và đúng đắn.
Vậy, với nguy cơ về dịch bệnh Ebola thì sao?
- Trong những ngày vừa qua, như chúng ta đã được biết, dịch Ebola đang bùng phát rất dữ dội tại 40 quốc gia Tây phi và các tổ chức y tế thế giới rất lo ngại về việc này và cảnh báo mức độ lây lan đối với các quốc gia khác. Ở Việt Nam thì mặc dù từ trước đến nay chúng ta chưa từng ghi nhận bệnh nhân Ebola nhưng Việt Nam cũng như các nước khác cần phải quan ngại về dịch bệnh này. Chính vì thế mà chỉ 2 ngày trước đây thôi, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành ngay kế hoạch phòng chống khẩn cấp của Việt Nam về phòng bệnh Ebola, trong đó đã đặt ra các tình huống cụ thể của Việt Nam đối phó với dịch bệnh này.
Chúng ta đã đặt ra 3 tình huống, trong đó tình huống thứ nhất là có người bệnh ở bên ngoài biên giới, chưa có ca bệnh nào ở Việt Nam. Tình huống thứ 2 là có ca bệnh ở bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam và tình huống thứ 3 là dịch xâm nhập vào Việt Nam và lây lan. Và ứng với nó là 3 biện pháp tương ứng, phù hợp. Hiện nay Việt Nam đang ở tình huống 1.
‘ PGS.TS Trần Như Dương cho rằng có sự hiểu biết và chuẩn bị rõ ràng thì sẽ không bị động trước dịch bệnh.
Chúng ta đã có những biện pháp phòng chống như thế nào?
- Đứng trước diễn biến phức tạp cũng như tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh này thì Bộ Y tế đã vô cùng khẩn trương để có những chỉ đạo về biện pháp ứng phó. Chỉ trong một thời gian rất ngắn Bộ Y tế đã tập trung được một đội ngũ chuyên gia và hoàn thành ngay được cũng như ban hành ngay hướng dẫn quốc gia về giám sát cũng như phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh này.
Chúng ta cũng đã ban hành ngay được chiến lược quốc gia của Việt Nam để ứng phó với dịch bệnh này. Trong mấy ngày vừa qua Bộ Y tế của chúng ta đã kích hoạt các hệ thống của mình kể cả phòng dịch, điều trị, truyền thông cho đến hậu cần... Nói như vậy để thấy Việt Nam đã rất chủ động, đã rất kịp thời trong việc ứng phó với dịch Ebola.
Khi có những chủ động ứng phó như vậy chúng ta sẽ không quá hoảng sợ trước dịch bệnh Ebola?
- Khi chúng ta có sự hiểu biết về dịch bệnh, chúng ta có sự chuẩn bị rõ ràng thì nguy cơ sẽ giảm đi rất nhiều và chúng ta sẽ không bị động.
Xem video dưới đây để biết trọn vẹn cuộc toạ đàm về dịch bệnh Ebola cũng như những trao đổi khác của PGS.TS Trần Như Dương: