Năm nay, theo thống kê cụ thể đã có 5.675 trường hợp nhập viện vì đánh nhau trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2017 vừa qua. Con số này có giảm hơn so với năm ngoái với 6.868 trường hợp đánh nhau phải nhập viện.
Dù có giảm đi 1.000 trường hợp so với năm 2016 song thực chất, vấn đề này cũng chẳng bớt nhức nhối chút đi chút nào nào. Nhiều trường hợp trong số đó là do bia rượu, nhưng bia rượu chỉ là tác nhân, còn sâu xa hơn, một câu hỏi được đặt ra là phải chăng nước ta đang ngày càng có nhiều người hung hãn hơn?
Nhiều báo trong tuần đã có những bài viết bình luận về con số đáng giật mình trên
"Gần 6000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau dịp Tết, cho thấy báo động về mức độ gia tăng hành vi bạo lực cũng như sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người trong xã hội", GS.TS Ngô Đức Thịnh Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho biết.
Cùng với quan điểm này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, tính hung hăng của con người ngày càng có chiều hướng phức tạp.
"Con số dù sao cũng chỉ là thống kê, cái kinh hoàng đó chính là hậu quả trên bình diện xã hội lâu dài", ông Sơn cho biết.
Dù có giảm đi so với năm 2016, song việc gần 6.000 trường hợp nhập viện vì ẩu đả trong dịp Tết thực sự vẫn là một con số rất báo động
Theo báo Người Lao động, truyền thống trung hậu, hòa hiếu của dân tộc ta đã tồn tại và được thử thách trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm. Song mấy năm gần đây, đã diễn ra ngày càng nhiều hơn việc ẩu đả đến mức nhập viện cả hàng ngàn vụ, tranh đoạt, hơn - thua ngay trong những lễ hội văn hóa linh thiêng.
Người Việt bây giờ sao kì vậy? Lý giải cho thực tế này có ý kiến cho rằng, xã hội đang đứng trước những biến chuyển có tính cơ bản và sâu sắc.
Trước sự càn quét của cơn lốc thị trường, tôn ti trật tự, tình anh em, họ hàng và gia phong đã và đang bị xáo trộn. Khi giá trị của đất đai, nhà cửa, ruộng vườn đều đặt lên cán cân chia chác nghiệt ngã. Bây giờ, người ta chỉ thấy "bè" chứ ít thấy bạn. Họ chơi với nhau theo bè phái của "nhóm lợi ích". Muốn có địa vị xã hội, hầu như tất thảy phải "chạy". Chạy từ khi lọt lòng ở bệnh viện đến nhà trẻ, trường học, việc làm, đề bạt, quy hoạch…! Tất tần tật đều quy ra tiền tài vật chất, nói lóng là "quy ra thóc".
Nhiều chuyên gia khẳng định, đây thực sự là con số báo động!
"Đừng cho rằng những nhận định trên là cố tình tô vẽ mảng màu xám vào bức tranh xã hội hiện thời, là báo động giả… Quản trị xã hội phải nhìn xa, nhạy cảm ngay từ những tín hiệu nhỏ. Bệnh xã hội phải được chữa trị, phòng ngừa ngay từ đầu, không nên chờ đến lúc phát bệnh thì đã hết thuốc chữa. Phải diệt ngay tế bào lạ của xã hội là cái ác, đừng để nó thành khối u di căn", báo Người lao động bình luận
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!