Gặp mặt chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu

Hoàng Trang-Thứ ba, ngày 17/08/2010 21:50 GMT+7

Ngày 17/8, Thành uỷ Hà Nội đã gặp thân mật đại biểu chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu và các chiến sỹ đã tham gia Cách mạng tháng Tám, những người con của Hà Nội góp phần làm nên thành công Cách mạng tháng Tám 1945.

Cán bộ, chiến sĩ từng tham gia Cách mạng tháng 8. Ảnh: VnE

Thời gian đã qua 65 năm, những nữ chiến sỹ Việt Minh tuổi mười chín, đôi mươi của Hà Nội ngày nào, giờ đã thành những bà lão hơn 80 tuổi. Khó khăn lắm để lại có một buổi tề tựu ngay nơi bậc thềm của Nhà hát lớn. 65 năm trước, tất cả đều nhớ như in ai đã đứng đâu, đã làm gì, vào đúng buổi mít tinh sáng 17/8 hôm ấy.

Bà Phan Thị Phúc, Lão thành cách mạng, Phu nhân cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nhớ lại: “Tôi đứng ở kia, cầm một tập truyền đơn bí mật. Lúc đó, có một tên lính Nhật đi lại, tôi ném truyền đơn xuống đất, nhưng vì ném cả tập nên nó không tung ra. Đợi khi tên lính đi qua, tôi tức mình quay lại nhặt lên, tung cả tập truyền đơn lên trời...”.

Trong bức ảnh tư liệu, những chiến sỹ Việt Minh, những người dân, những thanh niên yêu nước... Họ đã cùng nhau tập hợp lại, hát vang những bài hát, phân phát những lá cờ đỏ, những lời kêu gọi ủng hộ Việt Minh... Đặc biệt là sự kiện biểu tình đòi thả một đoàn quân giải phóng vừa ở chiến khu về ngay trong tối 17/8.

Bà Phạm Thị Ngọc Đào, Cán bộ tiền khởi nghĩa kể: “Chúng tôi đứng suốt từ Tràng Tiền ra đến Bờ Hồ, đứng cách lưỡi lê của bọn Nhật chỉ có 30cm, cứ hô đòi thả chiến sỹ, từ 7h30 đến 10h30, tối hôm đó chúng phải thả chiến sỹ của ta...”.

Hôm nay, hơn 200 người con ưu tú của Hà Nội những ngày tháng sục sôi ấy đã cùng gặp mặt. Những mái đầu bạc trắng cùng ôn lại kỉ niệm, trong đó có những người từ TP.HCM như thiếu tướng Bùi Nam Hà, người đã chỉ huy một tiểu đội 54 người trong đoàn Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa.

Thiếu tướng Bùi Nam Hà, Tiểu đội trưởng đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu bùi ngùi nhớ lại: “65 năm, nhưng không thể quên được, nhớ như in, hàng vạn đồng bào nổi lên tổng khởi nghĩa Hà Nội, mở đầu cho cách mạng cả nước, đó là tự hào của những người Hà Nội”.

Họ đã cùng nhau có mặt ở những thời khắc đó. Trong ký ức chung của màu cờ đỏ, mỗi người đều có một ký ức riêng và niềm tự hào đã được sống trong những giây phút lịch sử của dân tộc, nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ, phải phát huy sức mạnh toàn dân; tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công và chuẩn bị cho sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước