Gặp nữ cựu tù duy nhất ở Côn Đảo

Hoàng Thái -Thứ sáu, ngày 22/07/2011 11:30 GMT+7

Côn Lôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương. Câu lục bát này người Côn Đảo ai cũng nằm lòng. Với những cựu tù, thì đó là cách gọi vắn tắt nhất của những số phận bị kẻ thù lưu đày biệt xứ.

Cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni. Ảnh: TT

Có một người phụ nữ đã vượt qua cái chết, sau ngày hòa bình đã chọn mảnh đất đầu sóng ngọn gió để sống những tháng ngày còn lại. Bà là Nguyễn Thị Ni.

Cứ lặng lẽ, dăm ngày, một tuần lại đến thắp nhang cho những ngôi mộ. Nghĩa trang Hàng Dương bây giờ là một phần của cuộc đời bà, bởi nơi ấy lưu giữ cả một thời son trẻ. Đôi tay run run lần trên từng bia mộ và gọi tên đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này...

Bà Nguyễn Thị Ni, Nữ cựu tù Côn Đảo kể: “Ăn cơm vẫn nhớ, ngủ vẫn nhớ, cầm quyển sách đọc cũng nhớ. Nhớ cảnh trước đây, bây giờ mình còn sống càng nhớ càng thương các anh, các chú đã hy sinh cho đất nước”.

Hoạt động cách mạng ở Tiền Giang, bị địch bắt, trong vòng 3 năm từ 1972 đến khi được trao trả theo Hiệp định Paris vào cuối năm 1974, bà Ni không nhớ đã đi qua bao phòng giam, chuồng cọp, mỗi ngày phải hứng chịu bao nhiêu đòn roi và chứng kiến chị em, đồng chí ngã xuống trước những màn tra tấn, nhục hình của kẻ thù. Chính vì vậy, sau ngày hòa bình, cho dù công việc ổn định tại quê nhà, song bà cùng chồng, cũng là người tham gia tiếp quản Côn Đảo chọn hòn đảo lịch sử này để sống tiếp quãng đời còn lại.

“Mình bị giam cầm, tù đày tại đây. Đất nước hòa bình rồi, đâu cũng là quê hương, ra đấy là gặp lại bạn bè, gặp các chị, thăm viếng nhau. Nên tôi quyết định ra đây”. Bà Nguyễn Thị Ni nói.

Một căn nhà đơn sơ, một quầy tạp hóa nhỏ. Với Bà Ni như thế là quá đủ cho hai vợ chồng già nương tựa. Bà thầm mừng, mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này đã không ngừng thay da đổi thịt.

Sau 2 cuộc chiến tranh, hơn hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã xuống mảnh đất này, trong đó chỉ mới quy tập chưa đầy 2000 ngôi mộ, có nghĩa còn hơn 18.000 người con đã vĩnh viễn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Hơn ai hết, bà Ni hiểu điều ấy và đó là lý do bà chọn Côn Đảo sống những ngày còn lại.

Tâm nguyện cuối cùng của bà Ni là khi nhắm mắt, sẽ nằm lại với mảnh đất này, với bạn bè, đồng đội thân yêu của một thời vào sinh ra tử

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước