Với chủ trương: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi", công tác giám sát cộng đồng luôn được chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM. Việc huy động người dân giám sát các công trình mà chính họ thụ hưởng đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Năm 2009, TP.HCM đã chọn 56 xã để thí điểm mô hình nông thôn mới. Giai đoạn đầu triển khai - các xã còn gặp nhiều khó khăn với một số tiêu chí cơ bản. Nhưng đến năm 2020 - giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí thì có tới 47/56 xã hoàn thành. Có được những kết quả ấy là nhờ sự chung sức của toàn dân và chính quyền. Trong đó, công tác giám sát cộng đồng đóng vai trò quan trọng.
Trong quá trình giám sát xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương lại ghi nhận được nhiều cách làm hay, gương điển hình. Từ đó, tạo động lực để toàn dân cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới. Sau 10 năm, TP.HCM đã huy động được trên 26.000 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích gần 3 triệu m2, ước kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng.
Nhờ sự đồng lòng tham gia tích cực của người dân, hạ tầng nông thôn tại 5 huyện ngoại thành, thành phố đã được nâng cao.
Phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm, khu vực nông thôn TP.HCM đã thay đổi diện mạo đáng kể. Trên 94.000 hộ dân đã vượt chuẩn nghèo của thành phố, không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!