Giảm thiểu nhiều thiệt hại của bão số 3 nhờ chủ động ứng phó

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 20/08/2016 13:12 GMT+7

Bão số 3 đổ bộ vào Nam Định (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Sáng 20/8, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức giao ban, đánh giá thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Theo đó, tính đến 7 giờ ngày 20/8, đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi (ông Mùa Bả Sủa, 48 tuổi, bản Phá Thóng, xã Púng Pánh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La); 1 người bị nước cuốn trôi do đi qua ngầm tràn, hiện vẫn mất tích (ông Triệu Tiến Hương, sinh năm 1974, người dân tộc Dao, thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); 3 người bị thương (thành phố Hà Nội).

Bão số 3 làm 13 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 297 nhà bị tốc mái, hư hại, 117 nhà bị ngập nước; khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, 251 cây xanh, cây bóng mát đô thị bị gãy đổ; 29 con gia súc và 245 con gia cầm bị chết, nước cuốn trôi. Hiện đã có 5 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông (Thanh Hoá 4 điểm trên quốc lộ 15 C, huyện Mường Lát; Hoà Bình có các vị trí ngầm tràn trên các tuyến đường: Trường Sơn A, X2, C, Y, đường 12B, đường ĐT. 438B, ĐT.446, ĐT. 433, ĐT. 435B, ĐT.432, ĐT. 440, ĐT.439; Thái Nguyên: đường ĐT. 261; Sơn La: đường giao thông xã Chiềng Sơn).

Về lưới điện truyền tải: đường dây 500KV Quảng Ninh- Hiệp Hoà bị sự cố tại khoảng cột số 175-176 ( đến 18 giờ ngày 19/8 đã khôi phục xong). Đường dây 220 KV vận hành bình thường. Lưới điện 110 KV: có 22 lộ đường dây bị sự cố (20/22 đã được khắc phục, 2 lộ đường dây chưa khắc phục được bao gồm: Hải Hà- Tiên Yên, Hải Hà- Tex Hong, phụ tải đã được chuyển cấp từ nguồn khác, không gây mất điện. Lưới điện phân phối có 115 đường dây bị sự cố: Hà Nội 41, Lạng Sơn 5, Quảng Ninh 31, Hà Nam 5, Vĩnh Phúc 115). Hiện còn 15 đường dây chưa được khôi phục (Hà Nội 1, Lạng Sơn 4, Quảng Ninh 10). Dự kiến sẽ khôi phục cấp điện trong ngày 20/8; 12 cột điện bị gãy, đổ, nghiêng, sạt lở (Hà Nội 1, Lạng Sơn 4, Quảng Ninh 10).

Theo thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Để chủ động ứng phó với bão số 3, các địa phương được dự báo nơi bão đi qua, đặc biệt là các địa phương ven biển cơ bản đều quyết liệt sơ tán dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tại một số khu vực vẫn còn tư tưởng chủ quan, vẫn để người dân ngoài khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có phương án, kế hoạch, chưa tổ chức sơ tán, di dời dân ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; kiến thức phòng, chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế. Do vậy, các địa phương cần phải tăng cường đào tạo, nâng cao nhân lực để giảm thiệt hại.

Để chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các Công điện 1478 ngày 18/8 và số 1494 ngày 19/8 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế, bám sát diễn biến mưa lũ để chủ động điều chỉnh phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời, phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng.

Các lực lượng chức năng cần bố trí nhân lực canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ ngập sâu, nước chảy siết, để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân; triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước