Câu chuyện "nóng" trên các mặt báo số ra sáng nay (7/3) vẫn là câu chuyện vỉa hè. Tuy nhiên, phần điểm báo chủ đề trên đây đề cập góc độ khác: Nên giành lại vỉa hè thế nào để vẫn bảo đảm sinh kế của người dân?
Một bài viết trên tờ Thanh Niên của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến kể lại lịch sử của vỉa hè Hà Nội suốt từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Tác giả dẫn chứng: Đầu thế kỷ 20, các chủ khách sạn quanh khu vực Hồ Gươm đã thuê vỉa hè mở quán cà phê. Thời bao cấp khó khăn, vỉa hè là chỗ ngồi bà bán phở, bán bún ốc...
Không thể phủ nhận, trong lịch sử, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi kiếm sống của tầng lớp thị dân.
Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: "Không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà chỉ nên sắp xếp lại để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị".
Cần đến sự minh bạch, "Gọi đúng tên, trị đúng cách biểu hiện tham nhũng vặt" là góc độ tờ Lao Động đề cập để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, báo Người Lao Động nói đến việc lập một công ty quản lý vỉa hè để quản lý, duy tu, bảo dưỡng... đồng thời cũng không bỏ lỡ nguồn thu thông qua việc tổ chức khai thác vỉa hè.
Thực tế, TP.HCM đã có dự thảo đề án quy hoạch hai tuyến đường dành cho người buôn bán hàng rong theo giờ. Ban đầu sẽ khó khăn nhưng đây là bước tập dượt cho thói quen ngăn nắp buôn bán trên vỉa hè.
Từng có một dự án nghiên cứu mang tên Phòng Nghiên cứu vỉa hè của Giáo sư Mỹ Annette Kim điều hành đã ghi nhận hơn 3.800 hoạt động diễn ra trên vỉa hè của 6 phường trên địa bàn TP.HCM. Qua đó, có thể thấy rõ sức sống của các hoạt động vỉa hè thực sự rất phong phú và có thể thu hút khách du lịch.
Giải bài toán vỉa hè không chỉ là giải bài toán kinh tế mà đó còn là bài toán nhân văn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!