Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để đập tan một cứ điểm được coi là “bất khả xâm phạm”, các chiến sĩ đã đào hơn 400 km hầm, hào chằng chịt tới sát tận khu vực đồn trú của đối phương để tiếp cận và tiêu diệt đội quân nhà nghề với trang bị vũ khí tối tân.
Hệ thống giao thông hào của quân và dân ta chằng chịt theo nhiều cấp độ khác nhau như chiếc thòng lọng từng ngày, từng tháng thít chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong giao thông hào có giao thông hào trục kết nối từ trung đoàn này sang trung đoàn kia, từ sư đoàn này sang sư đoàn khác. Dưới giao thông hào, quân ta có thể kéo pháo và vũ khí.
Trong suốt chiến dịch, đào hào khoét núi là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. “Từ sỹ quan đến chiến sỹ không anh nào không đào hào. Anh nào cũng giữ cái xẻng, cái quốc như bùa hộ mệnh”, ông Nguyễn Hữu Chấp, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ kể.
Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và thầm lặng của những chiến sĩ Điện Biên, một hệ thống hầm, hào chằng chịt đã được hình thành tạo điều kiện để các đơn vị và hỏa lực mạnh của ta trút lửa xuống lòng chảo Điện Biên.
Và nhờ có hệ thống giao thông đặc biệt này được bảo vệ tuyệt đối bí mật, bộ đội ta đã vượt qua hàng rào lửa của kẻ địch, để đưa khối bộc phá nặng gần ngàn cân vào sát với nơi đồn trú của quân Pháp ở bên kia quả đồi. Tiếng nổ của khối bộc phá đã là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với một thung lũng không gì che chắn, nơi mà quân Pháp hy vọng sẽ giành phần thắng, nhưng họ lại không thể ngờ rằng Việt Minh đã đào hầm, tay không vận chuyển những khẩu pháo nặng lên đỉnh đồi để bao vây quanh quân Pháp và khóa chặt mọi ngả đường rút lui. Cứ như thế, Việt Minh ngày càng tiến sát trung tâm Điện Biên Phủ. Về sau này, một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc của Việt Minh là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.
Mời quí vị theo dõi VIDEO phóng sự tại đây.