Gieo con chữ ở vùng cao

Nguyễn Ngân-Thứ năm, ngày 10/11/2011 15:00 GMT+7

Y Tý là xã vùng cao khó khăn và xa nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Chân chạm mây, tay với tới trời - là cách những giáo viên gọi nơi mà mình đã vượt hàng trăm cây số đường rừng để lên cắm bản dạy chữ.

Một lớp học ghép ở bản vùng cao Ý Tý. (Ảnh: Sapalaocai.com)

Không điện, không nước máy, quanh năm mây mù bao phủ - khó khăn ấy đã khiến rất nhiều người hỏi rằng: Sức mạnh nào giúp những giáo viên vùng cao bám trụ với mảnh đất này? Câu trả lời chính là khát vọng được biết mặt con chữ của những em nhỏ nơi đây.
14/16 điểm trường tiểu học cắm ở các thôn bản ở Y Tý được dựng bằng tre nứa. Điểm trường xa nhất cách trung tâm xã 70km. Ngày nào, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga ở điểm trường thôn Lao Chải 1, xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai cũng tới nhà những em học sinh xa nhất trong thôn để đưa các em đến trường. Nhiệt độ ở Y Tý luôn thấp hơn dưới xuôi khoảng 13 độ C nên trong những ngày mùa đông lạnh giá, nhiều em đã ngại đến lớp.
Những chiếc giẻ vừa để lau sương, vừa để kê dưới sách cho khỏi ướt là cảnh tượng quen thuộc trong các lớp học tại đây. Vách nứa dựng tạm chẳng đủ để ngăn hơi sương đang len lỏi vào lớp học dù mới đầu đông.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết: "Những ngày rét mướt, buổi tối chúng tôi phải đốt lửa cho học sinh sưởi, đồng thời, hơ giẻ cho khô để học sinh lau. Chúng tôi hơ liên tục nhưng không lại được trời mù ướt ở đây, sương xuống rất nhiều. Trên nóc nước giột xuống, chúng tôi viết thì trôi hết chữ. Sách vở học sinh ướt hết".
Trước mỗi giờ lên lớp, học sinh đem những bó củi đến cho thầy cô của mình. Trước tiên, nó sẽ phục vụ cho chính cuộc sống của giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các em, sau là giúp các em vượt qua cái giá lạnh trong mùa đông sắp tới. Dẫu cho còn muôn vàn gian khó, sự học của vùng rẻo cao còn đặc biệt khó khăn này vẫn đang được "gieo" hàng ngày.
Không có cái chữ, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn biết phá rừng, khai thác tài nguyên đến cạn kiệt. Không có cái chữ, đồng bào sẽ sinh đẻ không kế hoạch, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Chính bởi vậy, dù khó khăn đến đâu giáo viên ở đây luôn xác định: Việc đưa cái chữ đến với các em cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nước uống hàng ngày.
Cô giáo Hoàng Thị Xuân, điểm trường Sim San, xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai chia sẻ: "Ngày đầu, tôi cũng nản lòng muốn bỏ về, nhưng bây giờ có sức mạnh từ người dân và tình cảm của các con. Bằng nhiều cách, tôi sẽ không để các con giống bố mẹ. Các con phải biết con chữ".
"Người dân ở đây không muốn cho con đi học, họ bảo là đi học cũng làm ra thóc, không đi học cũng làm ra thóc. Tôi phải trò chuyện, tâm sự để phân tích cho người ta hiểu rằng, đi học sẽ làm ra nhiều thóc hơn, biết áp dụng khoa học kĩ thuật. Hiểu ra người ra mới nhất trí cho con đi học". Thầy giáo Hoàng Minh Vỹ, điểm trường Sim San, xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai tâm sự.

Từng nét chữ được viết nắn nót. Phép cộng trừ nhân chia, những bài hát, bài giảng đang phần nào làm “nản lòng” màn sương dày đặc. Nhưng những ngày khó khăn nhất trong năm lại sắp tới, mùa đông năm nay sẽ có bao nhiêu em nhỏ không quay trở lại trường?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước