Hà Nội đạt nhiều thành tựu sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

PV-Thứ tư, ngày 25/12/2019 12:30 GMT+7

VTV.vn - Đến nay, TP Hà Nội có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Vừa qua, Thành uỷ Hà Nội đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân". Rất nhiều thành tựu đã đạt được trong một thập kỷ qua, tất nhiên đi kèm với đó là thách thức và cơ hội.

Trong thời gian đầu xây dựng nông thôn mới, Hà Nội có được nhiều lợi thế về văn hoá, xã hội, đặc biệt là nguồn lao động dồi dào, đi cùng với đó là sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi là các khó khăn như tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian qua còn diễn biến phức tạp, thị trường trong nước cạnh tranh quyết liệt với nông sản nhập khẩu; chính sách nhập khẩu hàng hàng hoá của các nước lớn không ổn định, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân khu vực nông thôn.

Đặc biệt, diện tích, dân số lớn, đơn vị hành chính nhiều, việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp.

Trước tình hình trên, các cấp uỷ Đảng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Trong 10 năm qua, TP đã tổ chức trên 55 cuộc kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành trên 126 chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện Chương trình như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó chính sách về dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông thuỷ lợi nội đồng, giao thông thôn xóm là một trong những chính sách mang lại hiệu quả nổi bật, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Bên cạnh các hoạt động thực tiễn, thành phố Hà Nội cũng chú trọng nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp. Hàng năm, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp các sở, ngành tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, từ cán bộ huyện, thị xã tới lãnh đạo các xã, thôn bản. Đến nay đã tổ chức tập huấn cho trên 85 nghìn lượt người. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho người dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thay đổi nhận thức từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” sang nhận thức “xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”.

Đến nay, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”đã được lan rộng trong toàn Thành phố, nhận thức của người dân được nâng lên, hiểu biết được đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước, mục tiêu của việc thực hiện Chương trình để từ đó tích cực tham gia thực hiện.

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán; song, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 tăng trưởng và phát triển ổn định.

Về xây dựng huyện nông thôn mới: Đến nay, thành phố Hà Nội có 06 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5 huyện so với cuối năm 2015).

Về xây dựng xã nông thôn mới: Đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới(vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu), tăng 124 xã so với cuối năm 2015 và 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 08 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Những thành tựu trên sẽ là tiền đề để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào nông thôn mới, thực hiện tốt các kế hoạch, tiêu chí trong những giai đoạn tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước