Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư

Tuấn Phong-Chủ nhật, ngày 30/07/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Vụ cháy lớn tại nhà xưởng thuộc huyện Hoài Đức khiến ít nhất 8 người thiệt mạng như hồi chuông cảnh tỉnh về ẩn họa cháy nổ tại một số nhà xưởng trên địa bàn Thủ đô.

Ngày 29/7/2017, một vụ cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng ở Km 19,5 quốc lộ 32, đoạn qua xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Theo báo cáo nhanh của huyện Hoài Đức trong ngày về vụ cháy trên, nguyên nhân cháy là do thợ hàn xì trong quá trình sửa chữa xưởng làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết, 2 người bị bỏng nặng phải nhập viện.

Cơ quan chức năng cũng cho hay, nhà xưởng sản xuất bánh kẹo này bị cháy rộng 170m2, mặt tiền khoảng 7m, được xây dựng với mái tôn, tường gạch, có một gác xép khoảng 100m2.

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy ở nhà xưởng tại huyện Hoài Đức trưa 29/7.

"Trong điều kiện bình thường, nhà xưởng này sập chỉ trong khoảng 15 phút do sức nóng của nhiệt vì thế rất khó cứu người. Qua đây, cũng khuyến cáo các hộ vừa kinh doanh vừa sinh hoạt nên có lối thoát nạn", Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay.

Vụ việc trên cho thấy, tình trạng coi thường công tác phòng cháy chữa cháy, ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy cũng như nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại các nhà xưởng, đặc biệt là các nhà xưởng nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc vẫn hiện hữu và bị xem nhẹ.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trên đường Đê La Thành đoạn từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Cầu Giấy, hàng chục xưởng sản xuất lớn nhỏ nằm san sát, xen kẽ với nhà dân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Tại khu vực này, các xưởng mộc, xưởng sơn gò hàn, các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ về khung nhôm kính, cửa sắt với mật độ dày đặc. Cùng với đó là các vật liệu rất dễ gây cháy, và khi cháy có thể lan rộng, nhất là khi mật độ dân cư dọc tuyến đường vành đai 1 của Thủ đô cũng rất đông đúc.

Trên trục đường Đê La Thành này, ngoài các cửa hàng trưng bày và kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ, xen kẽ là những xưởng sản xuất đồ gỗ với nhiều vật liệu dễ cháy nổ. Theo ghi nhận, các xưởng sản xuất này đã hình thành và hoạt động từ nhiều năm nay. Ngoài việc gây tiếng ồn, phát tán bụi, mùi sơn độc hại, đây có thể coi là những nơi rất dễ xảy ra cháy, nổ.

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 2.

Hàng chục cơ sở sản xuất, nhà xưởng mọc lên san sát dọc hai bên đường Đê La Thành.

Trong vai một người tìm mua đồ nội thất, phóng viên đã gặp một chủ xưởng sản xuất đồ gỗ nằm trên mặt đường La Thành. Ông T.V.H cho hay, ông mở xưởng gỗ được hơn chục năm, vẫn đảm bảo mọi điều kiện an toàn cháy nổ theo quy định và nhà xưởng chưa xảy ra cháy nổ bao giờ. "Tôi còn có xưởng gỗ ở Thạch Thất nhưng để tiện giao hàng cho khách nội thành, tiết kiệm được tiền vận chuyển, lại tiện cho khách tới xem mẫu thành phẩm nên tôi thuê một ô đất tại đây cho thuận tiện", ông H chia sẻ.

Căn xưởng của ông H được lợp mái và quây vách tạm bợ cho thợ sản xuất. Hàng ngày, có khoảng 3 lao động làm việc tại xưởng vào giờ hành chính, cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Nếu có đơn hàng gấp, ông H cho biết có thể làm cả buổi tối.

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 3.

Mùn cưa, bụi sơn, tiếng ồn từ các xưởng sản xuất gây phiền toái cho những hộ xung quanh,

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 4.

Người lao động không sử dụng bảo hộ lao động.

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 5.

Những vật liệu dễ bắt lửa và dễ cháy bên trong các xưởng sản xuất đồ gỗ nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc.

Theo phản ánh của người dân sinh sống gần khu vực xưởng gỗ của ông H, có người đã kiến nghị lên UBND Phường do lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi mạt cưa, bụi sơn và tiếng ồn the thé từ các máy cắt gỗ nhưng dường như không có chuyển biến gì. Bà C, một người dân bày tỏ lo lắng sau khi nghe tin về vụ cháy ở Hoài Đức bởi những vật liệu như gỗ, bạt che, vách ngăn tạm bợ ở xưởng đồ gỗ đều rất dễ bắt lửa, khi cháy có thể lan rất nhanh sang các nhà xung quanh hoặc sang chính những xưởng gỗ lân cận, gây nguy hiểm đến tính mạng và của cải của hàng xóm láng giềng xung quanh.

Luật Bảo vệ môi trường

Điều 37. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ gây nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với sức khoẻ người và gia súc, gia cầm;

d) Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người;

đ) Gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước;

e) Gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép.

Cũng theo phản ánh từ người dân nơi đây, lao động tại các nhà xưởng này đều không được trang bị bảo hộ lao động hoặc có, nhưng không sử dụng. Những cửa hàng, hộ sản xuất và kinh doanh khung nhôm kính hay cửa sắt thường xuyên sử dụng máy hàn, xì trên vỉa hè trước cửa nhà. Việc ý thức kém cộng với những thiết bị dễ gây hỏa hoạn trên có thể là ẩn họa về cháy nổ ngay tại khu vực trung tâm Thủ đô.

Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ cao từ những nhà xưởng xen lẫn khu dân cư - Ảnh 7.

Đường Đê La Thành vốn có mật độ giao thông dày đặc, đặc biệt là vào giờ cao điểm, có thể khiến xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường nếu xảy ra cháy.

Ngoài ra, đường La Thành lâu nay vốn có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, đặc biệt vào giờ tan tầm. Khi xảy ra cháy nổ vào các khung giờ cao điểm, xe cứu hỏa sẽ rất khó tiếp cận nhanh hiện trường, có thể ảnh hưởng đến tiến độ chữa cháy khi xảy ra sự cố. Đồng thời, nhà cửa khu vực này san sát, các xưởng sản xuất chủ yếu chỉ có 1 cửa thoát hiểm duy nhất ở mặt tiền nên cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Theo luật sư Hoàng Long (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện chưa có nhiều quy định về mặt pháp lý đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nhà xưởng đặt tại khu dân cư. Đối với các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ có các xưởng sản xuất trong khu dân cư do UBND Quận cấp phép và UBND Phường trực tiếp quản lý, giám sát. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn cháy nổ cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh này.

Ghi nhận một số vụ cháy từng xảy ra trên đường Đê La Thành

- Khoảng 11h30 ngày 16/1/2017, tại cửa hàng nội thất số 913 đường Đê La Thành đã xảy ra một vụ hoả hoạn.

- Rạng sáng 3/8/2016, xưởng gỗ nằm tại số nhà 1060 đường Đê La Thành, Hà Nội đột nhiên phát hỏa. thiêu rụi toàn bộ diện tích khoảng 60m2 của xưởng gỗ này và lan sang một phần diện tích của hai ngôi nhà kề bên.

- Vào ngày 15/7/2016, ngôi nhà ở số 518 phố Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) đột nhiên phát hỏa. Vụ cháy xảy ra tại tầng 2 của ngôi nhà 2 tầng được sử dụng làm cửa hàng bán sắt thép, vật liệu xây dựng, với diện tích mặt bằng khoảng 15 m2.

- Khoảng 9h30 ngày 10/12/2014, cột điện nằm ở vỉa hè trước xưởng gỗ số 1070 đường Đê La Thành bốc cháy. Lửa lan theo búi dây điện, dây viễn thông bùng lên cháy lan vào hai xưởng đồ gỗ.

- Vào 14h30 ngày 9/2 /2009, tại số nhà 899 đường Đê La Thành, gần Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội xảy ra cháy tại căn nhà 2 tầng được sử dụng để kinh doanh đồ gỗ, nội thất.

Vụ cháy tại Hoài Đức: Người dân đã gắng sức đập tường cứu người Vụ cháy tại Hoài Đức: Người dân đã gắng sức đập tường cứu người Công an phong tỏa hiện trường vụ cháy tại Hoài Đức Công an phong tỏa hiện trường vụ cháy tại Hoài Đức Cháy xưởng sản xuất bánh kẹo: Ngôi nhà không có lối thoát hiểm Cháy xưởng sản xuất bánh kẹo: Ngôi nhà không có lối thoát hiểm

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước