Hàng không tăng trưởng nhanh trước sức ép quá tải hạ tầng và nhân lực

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/07/2019 10:20 GMT+7

VTV.vn - Thị trường hàng không Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp việc còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng và nhân lực.

Thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên qua. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 hãng hoạt động, thì chỉ trong năm nay, Việt Nam đã có thêm 3 - 4 doanh nghiệp muốn bay hoặc tham gia dịch vụ hàng không. Việc Tập đoàn Vingroup tham gia lĩnh vực hàng không, thậm chí tuyên bố mở trường huấn luyện phi công đang tạo ra một không khí hứng khởi cho thị trường hàng không nội địa.

Sự tăng trưởng mạnh của ngành hàng không là một tín hiệu tốt vì hành khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn. Ngoài 5 hãng hàng không đã bay, còn 4 hãng đang xếp hàng chờ cấp phép, trong đó có Vinpearl Air đã làm cuộc đua xin giấy phép bay ngày một "nóng.

Có thêm nhiều hãng đang muốn hiện thực hóa "giấc mơ bay" sẽ đem lại lợi ích cho hành khách. Không chỉ cạnh tranh về giá vé, lịch bay…. các hãng còn đua nhau về chất lượng dịch vụ. Thế nhưng, việc có thêm nhiều hãng mới lại khiến hạ tầng thêm quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Các hãng sẽ phải chen chân vào những chỗ đỗ ở các sân bay đông khách.

Sự quá tải ảnh hưởng trực tiếp tới hành khách khi họ thường xuyên nhận được các thông báo "máy bay về trễ". Thực tế này có một phần nguyên nhân từ việc quá tải hạ tầng hàng không, mà báo Lao động giải thích dễ hiểu là "tắc dưới đất, tắc trên trời". Tình trạng tắc xảy ra nhiều năm nay, nhưng ngày càng nặng hơn khi có thêm hãng hàng không ra đời. Ngành hàng không tăng trưởng cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để "hết tắc" thì ngành này cần thay đổi tư duy, xã hội hóa xây dựng cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao.

Sân bay quá tải, nhân lực cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nên, mỗi khi có một hãng hàng không mới ra đời, câu chuyện tuyển dụng, lôi kéo phi công giữa các hãng lại "nóng", thậm chí có cảnh cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện mới chỉ có trường phi công Bay Việt ở thành phố Hồ Chí Minh tham gia một phần vào quá trình đào tạo phi công cơ bản. Tuy nhiên, tới nay học viên phi công Việt Nam chỉ được đào tạo phần lý thuyết và phối hợp với tổ bay trong nước ( khoảng 6 tháng). Phần thực hành bay với thời gian dài nhất, chi phí tốn kém nhất vẫn phải ra nước ngoài. Điều này khiến việc tiếp cận với nghề phi công khó khăn, tăng chi phí, trong khi lại không đủ phi công đáp ứng nhu cầu phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước