1 tỷ 60 triệu đồng là số tiền mà gia đình cụ Võ Quang Dinh (80 tuổi), số nhà 138 Hưng Phú, phường 8, Quận 8, TP.HCM sẽ phải nộp cho cơ quan thuế để có được sổ hồng cho mảnh đất mà gia đình đã ở trên 30 năm nay. Vì không có nhu cầu mua bán nên trước đó, gia đình cụ Dinh cùng chục người con đã ra ở riêng, chưa từng quan tâm tới chuyện làm giấy tờ nhà đất cho đến khi được chính quyền địa phương thông báo làm hồ sơ. Thu nhập duy nhất từ việc cho thuê một phần diện tích cũng chỉ đem lại cho gia đình 4 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Võ Quang Dũng, con trai cụ Dinh cho biết: “Số tiền cao quá, chúng tôi không biết lấy đâu ra. Xin trả hồ sơ thì họ nói hồ sơ làm rồi không trả lại được. Chắc phải bán nhà…”.
Ước tính riêng tại Quận 8, đã có khoảng 300 hộ dân xin được trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lý do là số tiền sử dụng đất phải nộp quá cao.
Gia đình chị Vũ Trân, số nhà 588 Hưng Phú, phường 9, Quận 8 cũng làm theo chủ trương của phường, hợp thức hoá giấy tờ nhà đất, số tiền cho hơn 8m2 vượt hạn mức hơn 120 triệu đồng, họ cũng đành phải viết đơn xin nợ tiền sử dụng đất. Nhưng vừa nợ vừa lo, bởi lãi suất cho việc chậm nộp lên tới 0,05% một ngày (18% mỗi năm). Sau 5 năm, khoảng thời gian được nợ tiền tối đa, số tiền chậm nộp của người dân sẽ tăng gần gấp đôi.
Theo các chuyên gia, sở dĩ số tiền nộp cho cơ quan thuế cao là vì hệ số sử dụng đất K tại TP.HCM, mức thấp nhất bằng 2, nhưng lại là hệ số cao nhất trong cả nước, khiến rất nhiều hộ dân, mà chủ yếu là những người có thu nhập trung bình thành thị, vốn đã ở trên căn nhà, trên mảnh đất đó 20-30 năm, nay phải đối diện với một khoản nợ không nhỏ.
Điều đáng nói là, khi được thông báo làm giấy tờ hợp thức hoá nhà đất, những hộ dân này không hề được thông báo trước về cách tính tiền sử dụng đất và họ không hề có một sự chuẩn bị nào về số tiền phải nộp.