Nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia, hồ thủy điện A Vương là công trình thủy điện cung cấp nước tưới và sinh hoạt chủ lực cho người dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Để tích đủ nước phục vụ cho mùa khô này, từ cuối năm 2018 đến đầu tháng 6/2019, thủy điện A Vương hầu như không phát điện. Ở thời điểm nắng hạn này, thủy điện A Vương bắt đầu phát điện, xả nước với lưu lượng gần 30 m3/giây. Tuy nhiên, việc phát điện điều tiết nước phải duy trì đủ lượng nước cung cấp cho hạ du kéo dài đến đầu mùa mưa.
Trong khi đó, sông Thu Bồn, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Nam đang thiếu nước chưa từng có. Nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội địa, độ mặn cao gấp vài chục lần mức cho phép. Nguyên nhân được xác định là do hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở thượng nguồn hiện đang dưới mực nước chết gần 2m, lượng nước trong hồ đang thiếu hụt hơn 170 triệu m3. Tình trạng thiếu nước giữa cao điểm mùa khô khiến thủy điện Sông Tranh 2 không thể phát điện, xả nước để đẩy mặn. Điều này đồng nghĩa người dân tỉnh Quảng Nam sẽ thiếu nước sinh hoạt, hàng vạn ha đất nông nghiệp sử dụng từ nguồn nước sông Thu Bồn sẽ bị thiếu nước trầm trọng hơn.
Trước tình thế cấp bách này, tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xử lý trách nhiệm Công ty thủy điện Sông Tranh vì đã vận hành hồ thủy điện Sông Tranh 2 không theo kế hoạch, gây thiếu nước cho hạ du. Tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ việc vận hành của các thủy điện ở thượng nguồn.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 40 công trình thủy điện khiến vùng ở hạ du các sông Thu Bồn, Vu Gia và cả thành phố Đà Nẵng lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước của hồ thủy điện. Giữa lúc hạn hán như hiện nay, nếu các thủy điện chạy theo lợi ích kinh tế mà xem nhẹ nhiệm vụ chống hạn, người dân miền Trung sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!