Hàng triệu vật nuôi phải tiêu hủy do dịch cúm gia cầm và tả lợn châu Phi

Minh Đức-Thứ hai, ngày 25/03/2019 17:30 GMT+7

VTV.vn - Từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm và tả lợn đến nay, hàng triệu con gia cầm và hơn 23.000 con lợn bị nhiễm bệnh đã phải đem tiêu hủy.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2003 đến nay đã khiến 47 triệu vật nuôi bị tiêu hủy do nhiễm bệnh. Dịch xuất hiện tại trên 2.000 xã, phường, thị trấn, chiếm khoảng 18,3% tổng số xã trên cả nước. Theo Cục Thú y, từ năm 2007 đến năm 2013, bệnh cúm gia cầm phát sinh rải rác trên đàn gia cầm nhỏ lẻ, khiến trung bình mỗi năm phải tiêu hủy khoảng 200.000 con gia cầm. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 3/2019, khoảng 90.000 con gia cầm cũng bị tiêu hủy mỗi năm.

Không chỉ gây bệnh dịch trên đàn gia cầm, năm 2003 cũng ghi nhận cúm gia cầm ảnh hưởng đến con người. Theo đó, từ năm 2003 đến tháng 4/2014, cả nước có 127 người bị lây nhiễm cúm gia cầm; 65 người mắc bệnh đã tử vong.

Từ tháng 4/2014 đến nay, cả nước không có người bị bệnh, chết vì cúm gia cầm; không có virus cúm A/H5N7 xâm nhiễm vào Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 3/2019, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trung bình mỗi năm các tỉnh bố trí kinh phí mua khoảng 180 triệu liều vaccine cúm gia cầm, và khoảng 180 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, cả nước có 17 phòng thí nghiệm đủ năng lực xét nghiệm bệnh cúm gia cầm.

Vào đầu năm 2019 này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng, chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có biện pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

Cụ thể, các ngành liên quan phải tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan rộng ở Việt Nam; tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.

Đồng thời, xây dựng thành công các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm, sản phẩm của gia cầm; góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh các bệnh cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7).

Thời gian qua, bên cạnh dịch cúm gia cầm đang được kiểm soát, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam cũng đã khiến ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến giữa tháng 3 đã có 23.000 con lợn bị nhiễm bệnh được đưa đi tiêu hủy và đã có 17 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ phát hiện có ổ dịch. Cục Thú y cho biết phần lớn các ổ dịch đều có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dễ bùng phát và lây lan nếu không có tổ chức kiểm soát dịch tốt. Ngoài ra, nguyên nhân chính của việc dịch lây lan nhanh là hoạt động vận chuyển, giết mổ chưa được kiểm soát chặt.

Hiện công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang rất được xem trọng và thực hiện chặt chẽ, nhiều trạm kiểm dịch đã được thành lập để ngăn chặn lợn bệnh được phát tán, giết mổ ra thị trường. Các vùng phát hiện ổ dịch thực hiện đúng quy trình tiêu độc, khử trùng, cách ly đàn lợn khỏe mạnh và có đoàn kiểm tra thường xuyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước