Hàng Việt Nam ở đâu trên thị trường nội địa?

Thu Hương-Thứ ba, ngày 23/06/2009 10:41 GMT+7

Bất chấp nền kinh tế suy thoái, nhiều trung tâm thương mại cao cấp lớn vẫn liên tiếp được đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây, đồng thời hàng loạt các khu chợ cũ đã và đang được cải tạo để trở thành khu mua sắm hiện đại. Thực tế này khiến nhiều người kỳ vọng, đây chính là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu và tiêu thụ hàng hoá của mình.

Thế nhưng, toàn bộ những mặt bằng có vị trí đẹp, đắt giá và bắt mắt nhất của Trung tâm thương mại mới mở ở Hà Nội đều thuộc về các thương hiệu nước ngoài và những tên tuổi nổi tiếng của thế giới. Đây không chỉ là cách bài trí phổ biến từ xưa đến nay ở các trung tâm thương mại lớn, mà thực tế còn là để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Nguyễn Trà Ly, Người mua hàng tại TTTM The Garden nói: “Thường thì khi vào TTTM mua sắm, mọi người hay mua đồ ngoại nhập nhiều hơn, vì mua ở ngoài, nhiều cửa hàng lẻ rất khó chọn, ở đây có nhiều mặt hàng, thoải mái lựa chọn. Còn khi mua hàng Việt Nam thì mình có thể mua dọc trên phố”.

Nhãn hiệu thời trang Việt Nam đã có tới 6 chuỗi cửa hàng bán lẻ dọc các tuyến phố chính tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng đây là gian hàng đầu tiên được mở tại một TTTM lớn. Nó được xem là phép thử của doanh nghiệp khi tìm đến một nơi lâu nay thường chỉ dành cho những nhãn hiệu nước ngoài và những người quen dùng hàng hiệu.

Bà Dương Thanh Vân, Quản lý công ty thời trang Ivy: “Hiện tại Ivy đang có một lượng khách hàng quen rất lớn, vì thế Ivy vẫn đang trung thành với việc bán trên các trục phố chính. Ivy chưa muốn từ bỏ khách hàng có nhu cầu và thói quen như thế. Nhưng chắc chắn trong dự định phát triển và xu thế của xã hội, Ivy sẽ tìm đến các TTTM”.

Hiện tại trong tổng số hợp đồng thuê mặt bằng tại The Gardern đã có tới 30% là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là, không ít trong số đó mới chỉ là những hợp đồng ngắn hạn, với vị trí và diện tích gian hàng còn khá khiêm tốn.

Ông Vũ Quang Hội, Chủ đầu tư TTTM The Garden cho biết: “Một số sản phẩm của chúng ta đáp ứng được tiêu chuẩn của khách hàng, nhưng bản thân các nhà đầu tư trong nước chưa tự tin để mang sản phẩm đó vào trung tâm, đó chính là cái chúng ta cần thay đổi. Các nhà đầu tư, các nhà sản xuất mang sản phẩm vào đây để hội nhập, hội nhập ở trong nước, chúng ta mới hội nhập ở quốc tế được. Rõ ràng, không chỉ ở nỗ lực tạo điều kiện của một phía, mà bản thân các nhà sản xuất phải cố gắng, phải thay đổi tư duy”.

Tại trung tâm buôn bán sầm uất và quen thuộc nhất của người dân Hà Nội, đó là phố Hàng Đào, rất dễ để tìm mua một sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng lại chẳng dễ dàng chút nào nếu muốn tìm mua một mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam. Xem ra, hàng Việt Nam cũng không phải là lựa chọn của những người kinh doanh ở đây.

Chủ cửa hàng quần áo phố Hàng Đào (Hà Nội) cho rằng: “Hàng Việt Nam thứ nhất là chậm đổi mới, quảng bá không tốt, không nhanh, thứ hai là mẫu mã kém nên bán rất chậm”.

Vậy hàng Việt Nam đang ở đâu trên chính thị trường của mình? Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, ai cũng muốn hướng tới sự bảo hộ cho hàng sản xuất trong nước, thì không ít người tiêu dùng Việt Nam đang đặt câu hỏi này khi muốn dành sự ủng hộ cho chính những sản phẩm trong nước làm ra.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước