Hàng Việt Nam và vị thế mới

Đỗ Đức-Thứ hai, ngày 21/02/2011 12:00 GMT+7

Hàng Việt đã có được vị thế khá vững vàng đối với người tiêu dùng Việt bởi xuất xứ, chất lượng, giá cả hợp lý, ổn định… khiến xu hướng “sính ngoại” đã thuyên giảm đáng kể.

Vị thế hàng Việt đã thay đổi


Nếu như trước đây, tâm lý sính ngoại của các tầng lớp nhân dân khiến cho hàng Việt không có được vị thế đáng kể, thì giờ đây, điều đó đó đã hoàn toàn thay đổi. Từ việc bị lép vế trên chính thị trường vốn được coi là “sân nhà” của mình, hàng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ bằng chất lượng, giá cả hợp lý ổn định để giành lại thị phần.


Trước đây, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài (tức chỉ có 23% người tiêu dùng ưa chuộng các thương hiệu trong nước). Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 9/2010, kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội cho thấy: 59% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “38% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”; 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam”.


Rõ ràng, vị thế hàng Việt (hay vị thế các thương hiệu Việt) đã có chỗ đứng vững chắc và đáng tin cậy đối với người tiêu dùng. Nếu như không thể đảm bảo về mặt chất lượng, mẫu mã, giá cả ổn định, chắc hẳn hàng Việt sẽ không có được một vị thế nói trên và việc cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà là điều không thể.

Theo những số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, nhóm hàng hóa trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn cả là: Sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép với 80%; thực phẩm 58%, đồ gia dụng 49%; vật liệu xây dựng 38%; đồ chơi trẻ em 34%; văn phòng phẩm 33%, điện tử điện lạnh 36%; dược phẩm, dụng cụ y tế 26%; ô tô, xe máy 18%; hóa mỹ phẩm 10%.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị


Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%; trong 6 tháng đầu năm 2010, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co-op hàng Việt tiêu thụ tăng 58% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi hàng ngoại nhập chỉ tăng 22%; trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố, doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.


Bên cạnh những kết quả nói trên, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn góp phần nâng cao kiến thức sử dụng hàng hóa, nhận diện và tẩy chay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… Từ đó, giúp cho việc xây dựng, phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.


Cơ hội cho các doanh nghiệp hàng Việt Nam


Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hàng Việt Nam đều nhấn mạnh: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là cơ hội để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, xây dựng hình ảnh, tạo uy tín đối với người tiêu dùng trên toàn quốc. Từ đó, các doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm cũng như năng lực sản xuất đối với thị trường và người tiêu dùng trong nước. Các chuyến bán hàng về nông thôn không chỉ tạo nên sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nhằm phát triển vững chắc thị trường nội địa, mà còn hỗ trợ rất tốt trong việc đưa hàng của nhau đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những khó khăn về vốn, công nghệ của doanh nghiệp cũng được chia sẻ và khắc phục một cách hiệu quả nhất có thể.


Bên cạnh những thành quả thu được từ cuộc vận động, Ban chỉ đạo đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành… chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động ở địa phương. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ chưa được ngăn chặn hiệu quả, gián tiếp gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước, chưa có được giải pháp, chế tài hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng. Một số các hoạt động thương mại chưa đúng với mục tiêu của Cuộc vận động, thậm chí còn gây phản cảm và giảm lòng tin của người tiêu dùng như hoạt động “Ngày vàng khuyến mại” của “Tháng cao điểm khuyến mại của hàng Việt Nam” ở một số địa phương trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò của cuộc vận động cũng như cách tổ chức của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Phó Thủ tưởng nhấn mạnh: Cuộc vận động chính là cơ hội để doanh nghiệp tự đánh giá lại năng lực của mình, và từ đó xây dựng chiến lược, chính sách có chiều sâu để có thể khẳng định một cách vững chắc thương hiệu Việt trong lòng người tiêu dùng trên toàn quốc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước