Hành vi phản cảm của giới trẻ: Bắt nguồn từ đâu?

Thanh Hương-Thứ năm, ngày 28/03/2013 15:45 GMT+7

Một trong số những kiểu tạo dáng chụp ảnh vô lễ của giới trẻ. (Ảnh: Internet)

 Thời gian gần đây, những hành vi phản cảm, thiếu ý thức của một bộ phận các bạn trẻ ở chốn linh thiêng hay xả rác ngay trong sự kiện Giờ Trái đất đã khiến cư dân mạng vô cùng bức xúc.

Có một số hành vi không mới trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhưng luôn gây sự bất bình trong dư luận xã hội. Sự bức xúc hay lên tiếng của cộng đồng chính là do sự thiếu ý thức và nhận thức trong hành vi của một bộ phận thanh niên khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, hay thậm trí là đang ngồi trên giảng đường đại học. Post ảnh chụp tạo dáng một cách phản cảm như: Ngồi trên lăng mộ liệt sĩ, gia tộc hay xả rác trong sự kiện Giờ Trái đất là những gì là cư dân mạng và dư luận xã hội bức xúc phản đối mạnh mẽ.

Vậy đâu là nguyên nhân của những hành vi phản cảm này? Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV.

‘ Ông Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV (bên phải ảnh).

PV: Ở góc độ là một nhà Tâm lý, theo ông yếu tố tâm lý nào để các bạn trẻ có những hành vi rất phản cảm mà cư dân mạng gần đây rất bức xúc như: Ngồi trên tượng đài, ngồi trên lăng mộ liệt sĩ, gia tộc hay gần đây nhất là vứt rác bừa bãi ngay trong sự kiện Giờ Trái đất?

Ông Phạm Mạnh Hà: Về các hành vi này của một bộ phận các bạn trẻ, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận ở nhiều góc độ. Theo tôi nghĩ, các bạn trẻ rất nhiều năng lượng, ngoài việc học tập, năng lượng của các bạn trẻ thường được bộc lộ ra qua các hành vi mà chính các bạn không ý thức được. Có lẽ, ở một góc độ nào đó xã hội chưa có được cách giáo dục tốt đối với các bạn trẻ này để các bạn có thể nhận thức được hành vi của mình đúng hay là sai.

PV: Hiện nay nhiều gia đình rất lo lắng trong việc mưu sinh và mọi người thường trông chờ vào nhà trường để giáo dục con em họ. Tuy nhiên, tôi thấy dường như nhà trường lại giáo dục hơi lệch, nghĩa là các bạn trẻ không được cung cấp đủ những điều mà phụ huynh cần, để con cái của họ tránh rơi vào những hành vi thiếu ý thức. Thưa ông Phạm Mạnh Hà, quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phạm Mạnh Hà: Điều này rất chính xác. Tôi nghĩ việc học hành của các em trong nhà trường hiện nay chỉ là “học vị thi cử”, chứ không phải “học vị nhân sinh”. Có nghĩa trong nhà trường hiện nay đang đào tạo những con người học để thi qua các cấp học và mục tiêu là vào được đại học. Mọi người không nghĩ rằng học để trở thành một con người có nhân cách sẽ quan trọng hơn. Từ sự nhận thức này đã dẫn đến tình trạng, nhiều bạn trẻ trong quá trình học tập thu nạp được vô vàn kiến thức, tuy nhiên vốn sống lại gần như không có. Hiện nay, mọi người vẫn hay dùng cụm từ “gà công nghiệp” để nói về một số các bạn trẻ, tôi nghĩ chính vì những lý do như vậy.

PV: Là một người thường xuyên làm việc trong môi trường có rất nhiều các bạn sinh viên, vậy ông có chia sẻ gì đối với các bạn trẻ để các bạn sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội?

Ông Phạm Mạnh Hà: Tôi nghĩ rằng để trở thành một con người có nhân cách thì kiến thức chỉ chiếm một phần, phần quan trọng chính là văn hóa. Các bạn trẻ đang sống trong một môi trường xã hội, vì vậy các bạn phải trở thành một con người xã hội. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ các bạn phải học lấy những chuẩn mực văn hóa và đạo đức của xã hội, lúc đó các bạn mới trưởng thành được, còn nếu không các bạn sẽ trở thành con người "có tài mà không có đức" giống như Bác Hồ đã từng dạy.

Vâng rất cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Mời quí vị theo dõi VIDEO nội dung toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên VTV với ông Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước