Công nghệ thông tin phát triển cũng là lúc "bác sĩ google" đặt chân đến tất cả gia đình. Không ít trường hợp người bệnh không đến bệnh viện, mà tham khảo kinh nghiệm chữa mệnh trên mạng trước tiên.
Chỉ gõ cụm từ "Cách trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi" trên Google, bạn sẽ nhận được hơn 2 triệu kết quả, "Cách trị mụn" có hơn 3 triệu kết quả, "Giảm eo sau sinh" có gần 5 triệu kết quả... Những kết quả đó ngoài quảng cáo của các bệnh viện, phòng khám, còn có các diễn đàn với hàng trăm hàng nghìn lượt tư vấn nhiệt tình từ khắp mọi nơi. Nhưng liệu "bác sĩ google" có là một bác sĩ thông thái và hữu ích cho tất cả mọi người?
Gần 80 trẻ em mắc sùi mào gà và đang được xem xét nguyên nhân liệu có liên quan đến việc các em cắt bao quy đầu tại một cơ sở y tế của một y sĩ. Cơ sở không phép, chủ cơ sở cũng không có chuyên môn khám chữa bệnh, mở phòng khám, nhưng các phụ huynh vẫn đưa con em mình đến đây làm thủ thuật.
Tháng 6 năm nay, một bệnh nhân nam ở Tuyên Quang suýt bị hoại tử cánh tay do đắp thuốc theo lời thầy lang chứ không đến bệnh viện.
Chữa bệnh qua mạng, chữa bệnh ở những cơ sở y tế không đảm bảo, chữa bệnh theo những thầy lang vườn là những ví dụ điển hình cho thấy, có rất nhiều người đang dễ dãi và coi thường sức khỏe của chính bản thân và người thân mình.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày trên đây, phóng viên VTV có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) - một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 xung quanh hệ lụy của việc chữa bệnh thiếu hiểu biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!