Tuy nhiên, theo điều tra của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, có tới 83% sinh viên ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng này. Thực trạng đó đã khiến không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội tốt trên bước đường lập nghiệp. Vì vậy, đào tạo kỹ năng "mềm" cần được coi là một môn học trong các trường ĐH, nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng.
Một câu giới thiệu ngắn trong một buổi thử đi xin việc, tuy chưa thực sự ấn tượng, nhưng với Tùng, đó là cả một bước tiến lớn của bản thân về khả năng giao tiếp. Là một sinh viên cử nhân tài năng của Đại học Khoa học tự nhiên, Tùng xuất sắc về các kiến thức chuyên ngành, nhưng lại thiếu tự tin khi phát biểu trước đám đông, vì vậy Tùng đã đăng ký tham gia khoá học đào tạo Kỹ năng mềm do nhà trường tổ chức.
Đào Duy Tùng, Sinh viên lớp Cử nhân tài năng Sinh học, ĐHQGHN phát biểu: “Trước đây khi chưa tham gia những khoá học như thế này, tôi không tự tin lắm về khả năng thuyết phục mọi người về ý kiến của mình. Nhưng sau khoa học, với kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình… tôi học được rất nhiều và tự tin về mình hơn”.
Việc đưa kỹ năng mềm vào chương trình học bắt buộc là một thay đổi đáng lưu tâm của các trường ĐH công lập, vốn chỉ quen đóng khung trong việc dạy kiến thức chuyên môn. Sinh viên tham gia thảo luận nhóm định kỳ và chủ động học các kỹ năng này theo hình thức trực tuyến. Khoá học về kỹ năng mềm rèn luyện cho các bạn SV sự tự tin, tư duy học tập hiệu quả, hợp tác tích cực khi làm việc nhóm, hay thành công trong những hồ sơ xin việc…
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban đào tạo ĐHQGHN cho biết: “Khi chúng tôi làm cuộc phỏng vấn nhu cầu của sinh viên, họ cho biết, cái yếu nhất khi ra trường không phải là kiến thức, mà là ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Chính vì vậy, ĐHQGHN đã công bố chuẩn đầu ra là, tất cả các sinh viên có ít nhất trong tay 5 kỹ năng mềm để đáp ứng việc nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế”.
Một hội chợ việc làm vừa được chính các bạn sinh viên tổ chức. Ở các trường khác nhau, nhưng họ có thể tập hợp lại thành một nhóm, lập dự án, kêu gọi nhà tài trợ, tiếp cận đơn vị tuyển dụng. Đấy chính là cách khẳng định về những kỹ năng mềm của bản thân mà nhà tuyển dụng rất quan tâm.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh, nhà tuyển dụng Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC: “Qua sự kiện này, tôi đánh giá sinh viên rất chủ động và nỗ lực, họ tự tạo ra cơ hội để tìm đến với việc làm, chứ không chỉ chờ doanh nghiệp mang việc đến cho họ. Và họ hiểu rõ được nhu cầu của họ đối với các doanh nghiệp là như thế nào”.
Trong hồ sơ xin việc của những sinh viên, giờ đây có thêm một chứng chỉ về Kỹ năng mềm, do nhà trường cấp. Khi các trường chú trọng đào tạo cho sinh viên mình những kiến thức khác, ngoài kiến thức chuyên môn, cũng chính là nhà trường đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có thể đáp ứng những yêu cầu của thị trường. Và thị trường thì chắc chắn không thể quay lưng lại với nguồn cung có chất lượng.