Hội thảo Á - Âu về quản lý nguồn nước

Đăng Học -Thứ năm, ngày 21/03/2013 23:37 GMT+7

Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

 Diễn ra trong hai ngày (21-22/3), Hội thảo thu hút gần 150 đại biểu từ các Bộ, ngành của Việt Nam, các tỉnh ĐBSCL và các đại diện đến từ 51 quốc gia thành viên ASEM, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các thách thức về nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết vì nguồn nước tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của từng quốc gia, của từng người dân.

Theo dự báo đến năm 2025, thế giới sẽ phải đối mặt với khả năng 1,8 tỉ người dân sống tại khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đang làm suy thoái nguồn nước.

Để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển, hiện nay, khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Các nguồn nước đi qua nhiều quốc gia đó đòi hỏi phải có sự chung sức để xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau gia tăng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Là một quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về sông Mekong. Chỉ trong một thập kỷ vừa qua, Mekong đã trở thành một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán, tác động trực tiếp đến vựa lúa lớn nhất của Việt Nam… Chỉ có chung tay hành động mạnh mẽ ngay từ ngày hôm nay, chúng ta mới có thể hạn chế và ngăn ngừa được những thách thức như đã dự báo. Thực tiễn cho thấy, việc bảo vệ tài nguyên nước đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để hợp tác, hơn là tạo ra tranh chấp”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước đã trở thành ưu tiên của mỗi quốc gia và là chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong nỗ lực chung đó, diễn đàn ASEM đã có nhiều đóng góp tích cực, đề xướng nhiều sáng kiến nhằm nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước.

Về phần mình, Việt Nam đề cao việc bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước, và đây là một nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020" và "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020". Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ tầng nấc hợp tác quốc tế.

Đánh giá cao việc tổ chức hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thông qua trao đổi, đối thoại trên tinh thần xây dựng và đối tác bình đẳng, hợp tác ASEM sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến nguồn nước, khẳng định vai trò và vị thế của ASEM trong cục diện đang định hình.

Hợp tác và quản lý tài nguyên nước đã trở thành một nội dung quan trọng trong đối thoại và hợp tác ASEM. Hội thảo ASEM với chủ đề “Quản lý nước và lưu vực sông - cách tiếp cận tăng trưởng xanh” được tổ chức lần này là một trong 20 sáng kiến của Việt Nam đề xuất. Trong hai ngày Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào những chủ đề chính là tài nguyên nước và phát triển bền vững; nước, lương thực và năng lượng - hướng tới sự cân bằng; nâng cao hiệu quả hợp tác Á - Âu trong quản lý bền vững nguồn nước... Hội thảo cũng sẽ thông qua Báo cáo trình các khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Ấn Độ vào tháng 11 năm nay và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Bỉ năm 2014.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước