Khẩn trương triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm trước tình hình thiên tai phức tạp ở miền Bắc

Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 26/07/2018 06:12 GMT+7

VTV.vn - Đây là yêu cầu của Bộ trưởng – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường trước đợt mưa lũ sắp tới.

Tại cuộc họp về công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, đặc biệt với tình hình thiên tai phức tạp tại khu vực miền Bắc trong thời gian tới diễn ra vào chiều 25/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, ở thời điểm hiện tại, rừng và đất rừng đã ngậm nước và bão hòa, nền đất bị tổn thương lớn. Cùng với đó, lớp đất thực bì đã bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều thiết chế hạ tầng quá tải do ảnh hưởng của mưa lũ. Chính vì thế, hiện tượng sạt lở đất, lũ quét tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra trong đợt mưa lũ sắp tới. Do đó, các cấp, các ngành cần tập trung phối hợp, chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh với thiên tai trong thời gian tới.

Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cung cấp kịp thời, chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên truyền để chủ động ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT thực hiện xây dựng, bổ sung thêm thông tin về thủy văn lưu vực sông Mê Công phục vụ điều hành thủy văn khu vực này khi cần thiết.

Khẩn trương triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm trước tình hình thiên tai phức tạp ở miền Bắc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Thực tế cho thấy, diễn biến mưa lũ phức tạp, cực đoan trong khoảng 1 tháng gần đây (từ cuối tháng 6 đến nay - PV) ở khu vực và trong nước đã và đang gây tác động lớn đến đời sống, sản xuất. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai mới xử lý bước đầu, tạm thời; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng rất thấp. Do vậy, Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cần khẩn trương triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: "Các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ổn định nhà ở cho đồng bào; Rà soát các phương án đảm bảo an toàn chống lũ đặc biệt phương án đảm bảo an toàn đối với dân cư thường xuyên bị ngập úng kéo dài.

Khẩn trương tiêu úng và tổ chức, hướng dẫn phục hồi sản xuất diện tích lúa bị ngập nước; Rà soát phương án, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy điện; Chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển.

Nâng cao quản lý tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản giảm thiểu thiệt hại khi ứng phó với bão; Đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực miền núi và vùng thấp trũng; Rà soát, chủ động phương án ứng phó với lũ lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long trước diễn biến mưa lũ, sự cố công trình phía thượng lưu để đảm bảo an toàn về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan sau nhiều năm không có lũ, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao để bảo vệ sản xuất".

Khẩn trương triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm trước tình hình thiên tai phức tạp ở miền Bắc - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Bộ trưởng – Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng và lực lượng kiểm ngư kiểm tra, kiểm soát công tác tránh trú bão lũ của tàu, thuyền. Bộ Y tế chỉ đạo việc khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng bệnh cho nhân dân sau đợt mưa lũ vừa qua và đợt mưa bão sắp tới. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan thực hiện trực 24/24 sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thế giới liên tiếp phải hứng chịu các trận thiên tai lớn như mưa lũ lịch sử tại miền Tây Nhật Bản làm 242 người chết; mưa lũ trên diện rộng tại 241 con sông/16 tỉnh tại Trung Quốc làm 33 người thiệt mạng; động đất tại Indonesia làm 176 người chết; năng nóng tại Tokyo, Nhật Bản làm 33 người tử vong và 37 người thiệt mạng ở Canada...

Tại Việt Nam, sau năm 2017 thiên tai bất thường, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại…

Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước