Triển khai mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp là một bước chuyển cần thiết trong việc hiện đại hóa quản lý đất đai cũng như xây dựng bản đồ địa chính. Thế nhưng, khi thí điểm mô hình này, đa số các địa phương đều vấp phải khó khăn. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm quan trọng với những địa phương đang chuẩn bị áp dụng mô hình này.
Khó khăn đầu tiên là cơ sở vật chất, bởi khi chuyển sang mô hình cấp sổ đỏ 1 cấp, đòi hỏi phải có kho lưu trữ rất lớn. Ví dụ như Phòng đăng ký đất đai quận Ngô Quyền, Hải Phòng có tới 800.000 bộ hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có nơi lưu trữ riêng đành bố trí tạm trong phòng làm việc. Máy móc đo đạc, máy quét ở nhiều chi nhánh đã quá hạn, không có điều kiện trang bị mới.
Ông Phạm Văn San, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai một cấp Hải Phòng cho biết: "Khó khăn về cơ sở vật chất chật chội, số người trên diện tích không đủ; phương tiện, trang thiết bị ở một số quận huyện còn lạc hậu".
Khó khăn thứ hai là về tài chính. Nếu trước đây, toàn bộ chi phí hoạt động từ nguồn ngân sách của quận, huyện, thì nay, chi phí này sẽ một phần là từ nguồn thu dịch vụ, phí, lệ phí. Ở nhiều địa phương, nguồn thu này còn hạn chế do phí thu còn thấp.
Tới đây, TP Hà Nội sẽ áp dụng mô hình này, do đó để hiệu quả thì cần sớm đưa ra những giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Trước khi Hà Nội triển khai có trao đổi với các tỉnh thí điểm. Hiện Hà Nội đã tổ chức các dự án tổng thể về đất đai, dự kiến năm 2017-2018, cơ sở dữ liệu đất đai sẽ đồng bộ".
28 chi nhánh văn phòng đăng ký ở Hà Nội sẽ được tận dụng hoạt động trong khuôn viên của UBND các quận huyện. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề xuất sẽ dành 1.500 tỉ đồng cho dự án tổng thể về đất đai, chủ yếu để xây dựng bản đồ địa chính trên mạng, cập nhật liên tục các thông tin dữ liệu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.