TP Hồ Chí Minh là thành phố đầu tiên trên cả nước đưa ra nghị quyết và đề án "Phát triển đô thị thông minh" vào định hướng phát triển. Những tiện ích đầu tiên của đô thị thông minh đã xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày với người dân như trung tâm điều hành giao thông thông minh, cổng dữ liệu mở thông tin về y tế, giáo dục và đầu tư... để người dân tiếp cận thông tin cập nhật và nhanh chóng.
Hơn 5 triệu văn bản điện tử của các cơ quan, sở ngành được tích hợp về trung tâm dữ liệu dùng chung sau 18 tháng triển khai. Một cổng dữ liệu mở thông tin về y tế, giáo dục và đầu tư, cung cấp dữ liệu cơ sở và hướng dẫn kỹ thuật để ngừoi dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác, bước chuẩn bị cần thiết cho kinh tế số và kinh tế chia sẻ đã được hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái mở của đô thị thông minh TP.HCM vẫn còn gặp vướng mắc.
Thuận lợi trong kết nối dữ liệu, hình thành công nghệ để điều hành, quản lý như lĩnh vực giao thông thì cái khó lại xuất hiện ở một khía cạnh khác. Điển hình là hiệu quả của xử lý vi phạm qua dữ liệu camera. Đối với việc thực hiện đô thị thông minh tại các quận huyện, hay kể cả cấp độ thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặc biệt chú trọng đến vai trò tư vấn cũng như cơ chế hợp tác giữa thành phố và các doanh nghiệp công nghệ.
Ngoài ra, thành phố cũng đặt những mục tiêu cụ thể như đến tháng 7 sẽ có hướng dẫn chuẩn cơ sở dữ liệu, quy chế sử dụng cơ sở dữ liệu này, hoàn thành bản đồ số thành phố trong quý II năm nay. Với những mục tiêu và hạn định thời gian cụ thể, TP.HCM sẵn sàng tăng tốc để thực hiện thành công giai đoạn 2 đề án đô thị thông minh, giải quyết những thách thức để phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!